Lai tạo thành công cá mú lai mới sử dụng tinh trùng đông lạnh
Tại Việt Nam nhóm nghiên cứu thuộc Chi nhánh Ven biển/Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã công bố kết quả nghiên cứu cho sinh sản giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái tạo thành con lai mới. Đây là kết quả thực hiện thành công được công bố đầu tiên ở Việt Nam, với những kết quả ban đầu đạt được sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu làm chủ được công nghệ sản xuất cá mú lai mới giữa cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực và cá mú đen Epinephelus coioides cái trong tương lai.
Tạo con cá mú lai mới giữa cá mú nghệ đực và cá mú đen cái
Cá mú nghệ Epinephelus lanceolatus đực là loài kích thước và khối lượng lớn, kích thước tối đa dài đến 3 m, khối lượng có thể đạt 500-600 kg. Có tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chịu đựng cao đối với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường, khả năng chống chịu bệnh tật cao, khả năng di chuyển và sống sót cao của tinh trùng trong điều kiện bảo quản lạnh đạt 70 - 80%. Cá mú đen Epinephelus coioides cái có thịt trắng tươi ngon, giá trị dinh dưỡng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi với môi trường tốt, sức sinh sản cao (600.000 - 1.900.000 trứng/kg cá cái), mùa vụ sinh sản quanh năm.
Nguồn cá bố mẹ được thu từ tự nhiên đưa về nuôi thành thục tại lồng bè. Cá mú nghệ E. lanceolatus đực có chiều dài khoảng 1 m, khối lượng 50 kg, 3 tuổi; cá mú đen E. coioides cái có chiều dài 30-45 cm, khối lượng 3,5-6 kg, 4 tuổi. Việc cho cá mú lai đẻ tiến hành vào ban đêm khoảng 18h đến 24h do lúc này nhiệt độ thấp, ít ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển phôi của trứng. Trứng cá mú lai (mới thụ tinh) trương nước, nổi lơ lửng gần mặt nước, có đường kính 857 µm và đường kính giọt dầu là 185 µm.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy quá trình phát triển phôi để hình thành ấu trùng trong thời gian 18h-18h30, tỷ lệ nở thu được từ 65-80%. Ấu trùng sau 2 ngày hết noãn hoàng, ăn thức ăn ngoài bằng thức ăn là tảo, luân trùng siêu nhỏ.
Sự phát triển từ giai đoạn mới nở đến giai đoạn cá con ở cá mú lai (E. coioides x E. lanceolatus),
(a)–(f): cá mú lai và (g)–(l): cá mú không lai. (a) (g) mới nở; (b) (h) 7 DPH; (c) (i) 14 DPH; (d) (j) 21 DPH; (e) (k) 28 DPH; (f) (l) 45 DPH (DPH - ngày sau khi nở). Cá mú lai có màu vàng với 5–7 vạch đen xiên trên các đường bên của chúng, tương tự như cá mú nghệ vào ngày thứ 45 sau khi nở
Sau 45 ngày ấu trùng tiến hóa hoàn thiện cơ thể để hình thành cá có kích thước 1,5 cm. Kết quả ương nuôi ấu trùng đạt tỷ lệ sống 8-10%, số lượng cá hương thu được là 15.000 con, cho cá ăn bằng thức ăn là luân trùng, Artemia và thức ăn tổng hợp. Hiện nay, nhóm nghiên cứu vẫn đang tiếp tục sản xuất giống và nghiên cứu ương nuôi cá đến giai đoạn cá giống 6 cm và xây dựng quy trình sản xuất giống.
Đông lạnh tinh trùng cá
Đầu tiên, mỗi con cá được gây mê bằng quinaldine (10 mg/L trong 1 đến 3 phút cho đến khi chuyển động nắp mang giảm khoảng 80%. Lỗ sinh dục được rửa bằng dung dịch CT (0,1 mMol) và làm khô bằng vải khô vô trùng để tránh tinh trùng bị nhiễm nước tiểu hoặc phân, và tinh trùng được thu thập vào cốc thủy tinh 25 mL bằng cách nhẹ nhàng vuốt bằng tay. Tinh trùng thu thập được lưu trữ trong nước đá và sử dụng để bảo quản đông lạnh.
Một loại chất được sử dụng để bảo quản tinh trùng là MFR (Marine Fish Ringers), CT (sodium citrate) được trộn với DMSO hoặc trehalose. Tinh trùng để vào dung dịch bảo quản theo tỷ lệ 1:9 (tinh trùng: chất bảo quản) và được trộn với 10% DMSO hoặc 15% trehalose theo tỷ lệ 1:1. Hỗn hợp được để vào tube chuyên dụng sau đó được đặt vào buồng đông lạnh với thời gian cân bằng là 10 phút. Sau đó được đông lạnh trong tủ đông với quy trình đông lạnh một bước (10°C/phút từ 25 đến −80 °C). Khi nhiệt độ đông lạnh cuối cùng đạt −80 °C, các mẫu được lấy ra khỏi buồng đông lạnh và bảo quản trong nitơ lỏng. Các mẫu tinh trùng được đông lạnh trong 10 giờ trước khi đánh giá khả năng vận động và thụ tinh của tinh trùng sau khi rã đông. Các mẫu tinh trùng đông lạnh được rã đông ở 40 °C trong 15 giây.
Sản xuất giống lai bằng tinh trùng bảo quản lạnh chỉ là bước đầu tiên hướng tới việc cải thiện sản xuất giống cá mú. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ xem xét khả năng sống sót, tăng trưởng và sức khỏe của giống lai và so sánh với các giống cá mú không lai.