TIN THỦY SẢN

Làm ăn mùa lũ - Kỳ 1: Khó khăn vùng đầu nguồn

Gian hàng cá đồng của chị Bế thu hút người mua. Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Mấy năm gần đây, người dân vùng lũ An Giang luôn phải mỏi mòn chờ… con nước lên đồng. Và họ cũng đã tập làm quen, thích nghi với tình trạng “đói” lũ dù mưu sinh có vất vả hơn. Tháng 10 thường là thời điểm lũ đạt đỉnh cao nhất nhưng đến những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, mực nước ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu vẫn còn khá thấp. Những người dân theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi thêm một lần nữa thất vọng.

Đìu hiu trên các nhánh sông:

Trước đây, vào mùa nước nổi, các gian thủy sản trên sông (vị trí có thể đóng đáy, khai thác được nhiều cá) ở huyện đầu nguồn An Phú luôn sôi động, náo nhiệt cảnh khai thác, mua bán cá. Việc tổ chức bán đấu giá các gian thủy sản mang lại nguồn thu đáng kể cho các địa phương, tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, mùa lũ năm nay, ngoại trừ một số gian thủy sản ở xã Vĩnh Hội Đông còn khai thác cầm chừng, các địa phương khác hầu như không thu được nguồn lợi nào.

Trong số các địa phương của huyện An Phú, xã cù lao Phú Hữu được biết đến là nơi có nhiều lợi thế trong khai thác thủy sản mùa nước nổi. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Cao Xuân Điệu, bên cạnh đánh bắt cá trên đồng, khai thác các nhánh sông đầu nguồn, trên địa bàn xã còn có 4 gian thủy sản mang lại nguồn thu rất lớn trong thời gian trước đây là: Lồng Đà – Xẻo Vừng, Năm Thổ Bổn, Cột mốc 88 và Lung Cây Xoài. Tuy nhiên, những năm qua, khi nước lũ thấp, các gian thủy sản khai thác không hiệu quả nên việc đấu giá cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, địa phương tổ chức bán đấu giá gian thủy sản Lồng Đà – Xẻo Vừng được gần 100 triệu đồng nhưng người trúng đấu giá không thể xuống đáy khai thác cá được, đành chịu lỗ. “Riêng năm nay, chỉ có gian thủy sản Lung Cây Xoài là bán đấu giá được 12 triệu đồng nhưng đến thời điểm này, người mua vẫn chưa dám xuống đáy vì nước thấp, sợ mất luôn chi phí đầu tư. Trong khi đó, các gian thủy sản còn lại tổ chức bán đấu giá khai thác nhưng không ai mua. Phú Hữu vốn nổi tiếng với nhiều loại cá đồng phong phú vào mùa lũ thì năm nay lượng cá rất hiếm, không đủ cung ứng nhu cầu tại chỗ” - ông Điệu nói.

Không riêng gì Phú Hữu, các xã đầu nguồn Khánh An, Quốc Thái cũng đang rơi vào tình trạng “đói” cá đồng, một phần do dành nhiều diện tích xây dựng đê bao sản xuất vụ 3, một phần do nước quá thấp. Phần lớn lượng ốc, cua tập trung tại các vựa ở xã biên giới Khánh An đều được người dân đánh bắt ở Campuchia mang về tiêu thụ. Trong khi đó, ở xã Phước Hưng, cả 2 gian thủy sản mang ra bán đấu giá đều không có người mua khai thác, gây thất thu cho địa phương.

Khan hiếm cá đồng:

Đi dọc theo huyện An Phú, từ xã Đa Phước đến vùng biên giới Khánh An, thỉnh thoảng mới bắt gặp một điểm họp chợ nhỏ, mua bán cá cặp bên đường, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mua bán rôm rả như những mùa lũ trước đây. Tuy vậy, phần lớn các chợ chồm hổm này cũng chỉ bán cá nuôi, rất hiếm có cá đồng.

Nhiều người vẫn dùng dớn khai thác cá trên đồng nhưng sản lượng ít.

Trong số các bạn hàng cá tại một khu chợ tự phát trên địa bàn thị trấn An Phú, gian hàng của chị Nguyễn Thị Bế luôn thu hút đông khách mua bởi chị chuyên bán cá đồng. “Hiện nay rất ít có cá lóc, cá rô, cá trê đồng… nhưng bù lại, lượng cá sặc điệp được khai thác tương đối nhiều. Giá cá sặc hiện tại 40.000 đồng/kg nhưng nhu cầu tiêu thụ rất mạnh. Mỗi buổi chiều, tôi có thể bán được hơn 10kg, còn các vựa cá lớn tiêu thụ vài trăm kg cá sặc điệp/ngày. Trong khi đó, giá cá rô đồng mua vào 60.000 – 70.000 đồng/kg, còn cá lóc đồng từ 80.000 – 100.000 đồng/kg nên khó bán ra. Nhiều người chọn ăn cá nuôi bởi giá rẻ hơn phân nửa” - chị Bế phân tích. Chị cho biết thêm, mùa nước nổi năm nay, cá đồng chủ yếu được khai thác bằng dớn, lưới, lờ, lọp trên đồng, còn dưới sông hầu như không có cá.

Theo lời chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến xã Vĩnh Hội Đông, địa phương hiếm hoi của huyện An Phú còn duy trì khai thác được một số gian thủy sản trên sông Hậu. Tuy nhiên, không khí khai thác nơi đây cũng lặng lẽ hơn nhiều so với những năm nước lớn. “Một số chủ thầu đã ngưng khai thác gần cả tháng nay do lượng cá ít, không đủ bù chi phí thuê nhân công, ăn uống. Bây giờ chỉ còn có vài chủ thầu vẫn bám đáy khai thác với hy vọng nước đang lên, lượng cá sẽ nhiều hơn” - ông Nguyễn Văn Nhiên, người sống lâu năm ở Vĩnh Hội Đông, chia sẻ. Nhiều người lo lắng, nếu tình trạng lũ nhỏ, cá ít còn tiếp diễn trong những năm tới thì các gian thủy sản vốn mang lại nguồn thu cả tỷ đồng mỗi năm cho xã Vĩnh Hội Đông có thể vắng bóng người đấu thầu như các địa phương khác.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN Báo An Giang