TIN THỦY SẢN

Lão nông “khống chế” tự nhiên nuôi tôm thu tiền tỷ

Ông Bình kiểm tra lượng thức ăn ở các bể để điều chỉnh phù hợp tránh dư thừa. Quốc Việt

Phương thức nuôi tôm truyền thống bằng hình thức ao bùn, dựa vào tự nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Mai Văn Bình (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã chuyển sang nuôi tôm trong bể nổi, mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đình.

“Nhốt tôm” trong bể xi măng

Xã Đồng Trạch có hàng chục hộ dân đang nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi hơn 170ha, trong đó có 85ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ông Mai Văn Bình, sinh năm 1964, ở thôn 3, xã Đồng Trạch sau thời gian dài tìm tòi học hỏi đã mạnh dạn đầu tư và tiên phong xây dựng mô hình nuôi tôm trong bể nổi đầu tiên tại Quảng Bình.

“Trước đây, nuôi trong ao bùn, hầu như tất cả đều phụ thuộc vào tự nhiên, như thời tiết, nhiệt độ. Vì vậy, việc kiểm soát được dịch bệnh cho tôm nuôi là rất khó. Thế nên năm nào ‘trời thương”, cho thời tiết thuận lợi thì còn có lãi, còn không thì hòa vốn hoặc lỗ là điều không tránh khỏi.

Thế nhưng, một lần tình cờ được tiếp cận với mô hình nuôi tôm trong bể nổi và thấy đây là cách nuôi giảm bớt rất nhiều rủi ro và cho hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã mạnh dạn đầu tư và nuôi tôm theo mô hình này”, ông Bình chia sẻ.

Việc ông Bình quyết định đưa tôm từ ao bùn sang bể nổi xi măng xuất phát từ một chuyến đi thăm bạn cũ tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 2019. Tại đây, ông lần đầu tiên thấy người dân nuôi tôm trong bể xi măng, lấy làm lạ bởi từ trước đến nay, phương thức nuôi tôm này chưa từng xuất hiện tại địa phương Quảng Bình.

Từ tò mò đến ham muốn học hỏi, ông Bình đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu với mong muốn đưa cách nuôi tôm mới này về áp dụng tại địa phương mình. Qua tìm hiểu ông thấy rằng, việc nuôi tôm trong bể nổi có rất nhiều ưu điểm và hầu như khống chế được các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, nguồn nước, dịch bệnh...


Ông Bình kiểm tra lượng thức ăn ở các bể để điều chỉnh phù hợp tránh dư thừa.

Thế nên cuối năm 2019, ông Mai Văn Bình đã mạnh dạn đầu tư số tiền hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống bể nổi trên diện tích đất 500m2.

Với 10 hồ nuôi, mỗi hồ có diện tích 50m2, bể nổi được xây dựng hẳn trên mặt đất với chiều cao từ 1,3m - 1,5m, bên trên có mái che bằng lưới để hạn chế ánh nắng. Hồ nuôi có cả hệ thống sục oxy, máy bơm, đường ống và hệ thống lọc nước. Nước được lấy và bơm vào bể sau khi đã được xử lý từ hồ chứa để diệt các vi sinh vật gây hại cho tôm tuôi.

Sau khi thả nuôi vụ tôm đầu tiên trong bể nổi xi măng và áp dụng những kiến thức đã học hỏi được, số lượng tôm giống thả nuôi phát triển tốt. Cuối vụ nuôi khiến ông Mai Văn Bình bất ngờ, bởi hiệu quả gấp nhiều lần so với hình thức nuôi ao bùn.

“Với hình thức nuôi ao bùn thì chỉ đạt 100 – 150 con giống/m2, nhưng ở bể nổi có thể đạt gấp đôi với mức 300 con/m2. Diện tích nhỏ gọn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao, đó mới là sự khác biệt lớn nhất. Đặc biệt là nuôi trong bể nổi mình kiểm soát được nguồn nước, nhiệt độ nước trong hồ, kiểm soát được lượng thức ăn cũng như ngăn chặn được các sinh vật có hại xâm nhập”, ông Bình cho biết.

Hiệu quả kinh tế mang lại

Theo ông Bình, đây là vụ tôm thứ 5 ông triển khai trong bể nổi xi măng, với 10 bể, mỗi vụ tôm ông thả nuôi khoảng 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, sau 3 đến 4 tháng, tôm đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg sẽ xuất bán.

Mỗi năm, ông Bình thả nuôi thường từ 2 đến 3 vụ, với giá bán dao động từ 180.000 - 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 350 - 400 triệu đồng/vụ. Nếu so với nuôi tôm theo phương thức truyền thống thì nuôi tôm trong bể nổi mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 3 - 4 lần.

Ông Bình cũng chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi tôm trong bể xi măng là tiền đầu tư ban đầu lớn hơn so với nuôi ao đất. Bên cạnh đó, quá trình nuôi cần theo dõi, nắm bắt sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, điều chỉnh nhiệt độ nước và thường xuyên thay nước để đảm bảo môi trường sống cho tôm.

Trong nuôi tôm thì nguồn nước và thức ăn là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng. Nước trước khi dẫn vào bể nuôi nhất thiết phải được xử lý kỹ lưỡng thông qua hệ thống hồ chứa. Xuyên suốt quá trình nuôi phải liên tục bổ sung nguồn vi sinh cần thiết, bình quân 2 ngày 1 lượt nhằm lấn át các vi sinh gây hại tồn tại trong nguồn nước, đồng thời bổ trợ thêm lượng chất cho tôm.

Hiện nay, ông Bình cùng 2 người con trai của mình đang là lao động thường xuyên tại hồ tôm. Thời điểm thu hoạch, ông sẽ thuê thêm lao động thời vụ để bán tôm cũng như vệ sinh hồ nuôi.

Với những thành công đã đạt được, mô hình nuôi tôm trong bể nổi xi măng của ông Bình đã được rất nhiều người dân đến tham quan, học hỏi. Ông cũng đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển kinh tế.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, ông Mai Văn Bình đã được UBND tỉnh Quảng Bình cũng như Hội Cựu chiến binh tỉnh này tặng Bằng khen, Giấy khen.

Ông Trương Văn Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch cho biết, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này cho bà con nhân dân. Đồng thời, xã Đồng Trạch cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu đầu tư xây dựng các bể nổi nuôi tôm.

Quốc Việt Giáo dục và Thời đại