Liên kết chuỗi Ngao theo tiêu chuẩn ASC ở Nam Định
Ngày 22/8/2019, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng thuỷ sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) tổ chức Lễ ký kết Liên kết chuỗi Ngao theo ASC.
Tiềm năng nuôi ngao tại Nam Định
Tỉnh Nam Định có 72 km bờ biển, có 3 cửa sông lớn và một vùng bãi triều rộng lớn, chất đáy chủ yếu cát bùn, hàm lượng muối khoáng cao, chế độ nhật triều ổn định, thời gian phơi bãi từ 5-8 giờ/ngày là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi nhuyễn thể, nhất là phát triển nuôi Ngao/nghêu (ngao Bến Tre và ngao dầu).
Trong những năm qua, phong trào nuôi ngao phát triển mạnh chủ yếu tại một số xã cửa sông ven biển với tổng diện tích nuôi ngao toàn tỉnh gần 2.000 ha; Trong đó tập trung tại huyện Giao Thủy khoảng 1.500 ha và huyện Nghĩa Hưng 500 ha. Sản lượng nuôi ngao mỗi năm đạt trên 35.000 tấn. Ngao được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện tại, ngao Nam Định đang được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc và EU. Nghề nuôi ngao đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu cho rất nhiều người dân ven biển.
Tuy nhiên việc sản xuất tiêu thụ ngao hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định còn một số hạn chế bất cập như: Hoạt động nuôi trồng chịu tác động của công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu; Ô nhiễm môi trường và dịch bệnh diễn ra thường xuyên khiến năng suất nuôi ngao chưa cao; Trong chế biến, vấn để bảo quản sản phẩm, cái tiến công nghệ, kỹ thuật và sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng còn hạn chế; Đa số các hộ nuôi ngao còn yếu về năng lực định hướng thị trường, sản phẩm ngao thu hoạch không có đầu ra ổn định do chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, chưa có thương hiệu sản phẩm gắn với các tiêu chuẩn quốc tế (như GlobalGAP, ASC).
Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để nâng cao giá trị và thương hiệu, ngành nuôi ngao cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến có được các chứng nhận quốc tế và đa dạng hóa sản phẩm.
Chứng nhận ASC
Chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là Bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản xây dựng trên 4 nền tảng chính là Môi trường, Xã hội, An sinh động vật và An toàn thực phẩm. Tính đến năm 2018, đã có 674 trại nuôi/vùng nuôi của 38 quốc gia trên thế giới đạt Chứng nhận ASC (với 247 trại ở châu Á, châu Âu-211, Nam Mỹ-146, Bắc Mỹ-43, châu Úc-22 và châu Phi-3). Theo số liệu mới cập nhật, Việt Nam hiện có 112 trại nuôi/vùng nuôi cá tra, rô phi và tôm đã đạt được Chứng nhận ASC.
Đối với mặt hàng ngao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam triển khai Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC” nhằm hướng tới kinh doanh cùng người sản xuất quy mô nhỏ, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành hàng Ngao tỉnh Nam Định nói riêng và Ngao Việt Nam nói chung.
Liên kết chuỗi ngao theo ASC
Ngành Thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Cùng với xu thế phát triển đó, nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng cũng đã chuyển biến tích cực - Từ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ sang Sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến Xuất khẩu.
Việt Nam hiện có trên 40.000 ha nuôi nhuyễn thể với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, các sản phẩm nhuyễn thể (trong đó có ngao) được xuất khẩu đến 57 thị trường trên thế giới với các thị trường chính như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia; Giá trị xuất khẩu đạt gần 800 triệu USD (năm 2018). Là một trong bốn sản phẩm nuôi trồng chủ lực của Việt Nam, những năm vừa qua ngành ngao/nghêu đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và hướng đến mục tiêu 2020: Tổng diện tích nuôi ngao, sò đạt 48.370 ha; năng suất trung bình 8,27 tấn/ha; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD.
Tuy nhiên ngành ngao/nghêu thời gian vừa qua cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với các hệ thống chứng nhận dày đặc. Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt được các chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy các chương trình , dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị, thương hiệu cho ngành Ngao Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do TPP, FTA, EVFTA… mở ra nhiều cơ hội giao thương cho ngành Thủy sản nói chung và ngành hàng Ngao nói riêng. Để nắm bắt cơ hội thị trường, cũng như tham gia thị trường trên diện rộng thì thực hành sản xuất bền vững và gắn kết theo chuỗi luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản và cũng là xu hướng chung của thị trường. Theo thống kê, mỗi năm, ngành Thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, ngao (nghêu) là một trong 04 sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực của Việt Nam. Tại Nam Định, ngao được xác định là mặt hàng chủ lực của địa phương.
Để hướng tới kinh doanh cùng người sản xuất quy mô nhỏ, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành Ngao tỉnh Nam Định nói riêng và Ngao Việt Nam nói chung, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) và các cơ quan, ban ngành địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam triển khai Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”
Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Định
Lễ ký kết được tổ chức ngày 22/8/2019 ghi nhận một mốc son quan trọng trong NÂNG TẦM NGAO VIỆT. Tại buổi lễ, các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngao tỉnh Nam Định và cơ quan quản lý nhà nước đã cùng nhau ký kết “Thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi ngao tỉnh Nam Định” hướng đến đạt Chứng nhận quốc tế ASC.
Đến tham dự Lễ ký kết Liên kết chuỗi ngao theo ASC có lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, UBND tỉnh Nam Định, đại diện các hộ nuôi ngao (ở Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Điền, Nghĩa Hưng) và ông Simond Lenger - Chủ tịch tập đoàn Lenger Seafood Hà Lan.
Tại buổi lễ, Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam đã nhận được những chia sẻ hữu ích cho quá trình hình thành và vận hành chuỗi giá trị ngao tại Nam Định. Buổi lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Là cột mốc cho giai đoạn tiếp theo để triển khai Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”. Là bước khởi đầu cho sự liên kết giữa những người nuôi ngao và doanh nghiệp chế biến, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến, cung ứng, tới tiêu dùng. Đây cũng là cam kết của các doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc hợp tác, hỗ trợ người nuôi ngao trong quá trình nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm ngao bền vững.
Đơn vị đầu tiên trên thế giới áp dụng Chứng nhận ASC cho sản phẩm ngao/nghêu
Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan, với kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ hơn 90 năm nay, là một trong những Tập đoàn thủy sản có uy tín ở châu Âu đã quyết định đầu tư xây dựng một Nhà máy chế biến ngao với các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại tại thành phố Nam Định, hướng tới hình thành ngành Công nghiệp thủy sản mới: Nuôi trồng, chế biến, kinh doanh, thương mại các sản phẩm ngao.
Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam tại Nam Định đã được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, có Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm FSSC 22000 sản xuất các sản phẩm chất lượng tốt, ổn định, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nên đã nhanh chóng có thị phần ổn định tại thị trường Mỹ và Châu Âu... Tại thị trường trong nước, các sản phẩm ngao của nhà máy được chào bán ở hầu hết các siêu thị lớn của Việt Nam như Vinmart cùng hệ thống cửa hàng tiện lợi V+, Big C, Sài Gòn Coopmart, Lotte và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác.
Lenger Việt Nam chính thức trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới thực hiện áp dụng Chứng nhận ASC cho sản phẩm ngao/nghêu. Dự án “Chuỗi giá trị ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam” bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2019 và đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được Chứng nhận ASC vào năm 2020.