TIN THỦY SẢN

Liên kết đầu tư thủy sản theo hướng bền vững

Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển - Ảnh: ANH NGỌC Anh Ngọc

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xác định hướng đi mới là liên kết với ngư dân để đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững. Trong khi đó, các tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả…

Liên kết

Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy hải sản rất thành công như DNTN Thủy sản Đắc Lộc, Công ty TNHH Nguyễn Hưng, DNTN Trang Thủy, Công ty CP Bá Hải, Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc… DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã thành công với mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh khép kín, đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và Đắc Lộc là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn này. DNTN Thủy sản Đắc Lộc đã xây dựng được chuỗi liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Công ty CP Bá Hải cũng đã xây dựng chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo đề án thí điểm của Bộ NN-PTNT. Hiện công ty này đang liên kết với gần 80 chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương thuộc 8 tổ, đội sản xuất ở TP Tuy Hòa…

Mới đây, Công ty TNHH Nguyễn Hưng cũng xây dựng chuỗi liên kết thứ hai ở Phú Yên theo đề án thí điểm của Bộ NN-PTNT về khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ. Ngoài 25 chủ tàu đã liên kết theo đề án, Công ty TNHH Nguyễn Hưng mở rộng liên kết với nhiều ngư dân hành nghề lưới vây trong tỉnh. Ngư dân Võ Văn Tú, chủ tàu cá PY98389TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Thời gian qua, việc bán sản phẩm hải sản gặp nhiều bấp bênh vì không có bạn hàng thu mua cố định nên thường bị ép giá, ép phẩm cấp. Do vậy, chúng tôi mong muốn Công ty TNHH Nguyễn Hưng liên kết với ngư dân bao tiêu sản phẩm với giá cá ổn định theo hướng bền vững. Theo ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, trước đây, công ty đã liên kết với hơn 100 chủ tàu hành nghề lưới vây ở các tỉnh lân cận. Từ đầu năm đến nay, công ty đã thu mua khoảng 10.000 tấn cá ngừ, năng lực của công ty hiện có thể chế biến khoảng 30 tấn cá/ngày. Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm khai thác của các tàu cá trong chuỗi liên kết. Hiện công ty triển khai đóng mới tàu dịch vụ hậu cần để cung cấp nhiên vật liệu và thu mua cá trên biển đối với những tàu tham gia chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho hay: Hiện toàn tỉnh có khoảng 330 tàu cá hành nghề lưới vây, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 8.000-10.000 tấn cá ngừ. Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Nguyễn Hưng ra đời sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác và tiêu thụ ổn định sản lượng cá ngừ trong tỉnh.


Tàu cá vỏ thép hiện đại PY.99997.TS của ngư dân Trương Văn Công ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) - Ảnh: ANH NGỌC

Hiệu quả từ những “con tàu 67”

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay Phú Yên đã đóng mới và đưa vào hoạt động 9 tàu cá, trong đó có 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đa số các tàu cá này đều hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, đây là thành công bước đầu của quá trình hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh. Ngư dân Võ Văn Lành ở phường 6 (TP Tuy Hòa), chủ hai tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67, cho biết: “Hai tàu cá của gia đình tôi hạ thủy từ tháng 10/2015, đến nay đã ra khơi 18 chuyến biển, bình quân mỗi chuyến lãi từ 100-300 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đang đóng thêm một tàu cá vỏ composite với công suất trên 800CV để luân phiên vừa khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần…

Ngư dân Trương Văn Công ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), chủ tàu cá vỏ thép PY99997TS, nói: “Từ khi hạ thủy đến nay, đã đánh bắt được hai chuyến biển. Chuyến thứ nhất được 18 tấn cá ồ, cá chù và hơn 50 tấn cá nục tròn bán được trên 700 triệu đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng. Chuyến biển thứ hai lãi khoảng 700 triệu đồng”. Theo ngư dân Trương Văn Công, đánh bắt hải sản hiện nay nếu ngư dân không làm chủ được công nghệ, không biết điều khiển các trang thiết bị hàng hải mới, hiện đại thì sẽ không thành công. Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Chúng, chủ tàu cá vỏ thép PY99998TS ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), ngư dân đang thay đổi dần cách làm ăn, trong đó rất chú trọng đến đội ngũ thuyền viên có kinh nghiệm nhưng biết vận hành các thiết bị hỗ trợ phục vụ khai thác hải sản.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tỉnh đã đăng ký bổ sung 17 dự án phát triển thủy sản vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Sở NN- PTNT đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư 4 dự án, trong đó có 2 dự án được Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn gồm Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) và Trung tâm Giống thủy sản nước mặn tỉnh Phú Yên (ở xã An Hải, huyện Tuy An). Hai dự án còn lại, tỉnh xin Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí gồm Đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) và Cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tỉnh Phú Yên (TP Tuy Hòa).

Anh Ngọc Báo Phú Yên, 01/02/2017