Liên kết tạo chuỗi giá trị trong sản xuất
Sau 3 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo cú hích quan trọng thúc đẩy nông nghiệp TP. Cà Mau phát triển. Các chính sách hỗ trợ nông nghiệp tiếp tục được thực hiện tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của thành phố.
Đề án đã góp phần quan trọng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, cạnh tranh thị trường, có sự liên kết với các doanh nghiệp.
Chuyển biến - hội nhập
Đầm tôm nuôi theo hình thức siêu thâm canh của ông Thái Minh Thức, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân phát triển rất tốt. Nhìn quy trình tuần hoàn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ CP, ít ai nghĩ rằng cách đây vài năm, nơi này vốn là vùng đất phèn trũng, nuôi tôm quảng canh năng suất rất thấp, thu nhập bấp bênh.
Đầu năm 2016 gia đình ông Thức đã đầu tư san ủi, cải tạo trên 2 ha đất thành các ao nuôi, ao lắng và ao dèo. Nhờ tuân thủ đúng quy trình nên tôm thả mật độ dày vẫn đạt tỷ lệ sống cao. Qua 6 vụ nuôi trong 2 năm, trừ chi phí, ông Thức còn lãi hơn 4 tỷ đồng.
Ông Phùng Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Tân, cho biết: "Xác định ngành chủ lực của địa phương là con tôm, từ đó, UBND xã triển khai nhiều giải pháp phát huy hết thế mạnh này. Định hướng đến kết thúc Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp (2020), xã sẽ phát triển thêm diện tích tôm siêu thâm canh lên 300 ha".
Hiện nay, toàn TP. Cà Mau có 124 ha tôm nuôi theo hình thức siêu thâm canh. Qua thời gian triển khai thực hiện, bước đầu khẳng định hình thức nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trải bạt không chỉ làm tăng sản lượng, số lượng vụ nuôi, giảm đáng kể tác động tới môi trường mà còn tạo nguồn tôm sạch, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam.
Ông Thái Văn Tính, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Cà Mau, thông tin: "Qua thời gian triển khai và thực hiện đề án, đến nay cho thấy, ngành nông nghiệp của thành phố phát triển rõ nét, đặc biệt đối với ngành hàng thuỷ sản của thành phố năng suất tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2017, sản lượng thuỷ sản của thành phố đạt trên 20.000 tấn".
Ngoài nuôi tôm, TP. Cà Mau còn rất thành công trong lĩnh vực trồng lúa. Hiện nay, trên tổng số 2.600 đất trồng lúa có 200 ha phát triển theo mô hình cánh đồng lớn.
Hơn 10 năm trồng lúa theo phương thức truyền thống cho năng suất kém, ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Thời, xã An Xuyên luôn trăn trở làm cách nào để liên kết những nông dân cùng chí hướng để sản xuất lúa theo hướng hàng hoá, cạnh tranh thị trường. Bởi, theo ông, nếu không đổi mới tư duy trong sản xuất thì trước sau gì người nông dân cũng sẽ "chết" ngay trên đồng đất của mình. Và khát vọng làm giàu trên thửa ruộng của ông Bình trở thành hiện thực khi Nhà nước có chủ trương liên kết nông dân xây dựng cánh đồng lớn.
Ông Bình hồ hởi: “Tham gia sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn lợi nhiều hơn. Tất cả các khâu từ rải lúa đến thu hoạch gần như sử dụng máy móc".
Liên kết tạo chuỗi giá trị
Trong 3 năm gần đây, TP. Cà Mau đã thẩm định và hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng để mua cây con giống, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ những chính sách này nên hầu hết các ngành hàng chủ lực thuộc các lĩnh vực nuôi thuỷ sản, trồng lúa và hoa màu của thành phố phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là lĩnh vực nuôi cá nước ngọt. Thành phố cũng đã chuyển đổi 370 ha đất lúa, đất vườn hiệu quả thấp sang nuôi cá chình, cá bống tượng.
Phường Tân Thành được xem là địa phương thành công trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thành công cá chình, cá bống tượng. "Từ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi cá chình, cá bống tượng, năng suất cá tăng từ 2 tấn lên 4 tấn/ha", ông Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành nhận định.
Ông Cao Văn Dũng, Khóm 6, phường Tân Thành, bộc bạch: "Trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất lúa, năm làm 2 vụ, thu nhập bấp bênh lắm. Sau khi phường Tân Thành có mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, tôi tham gia và hầu như năm nào cũng trúng. Năng suất cá đạt 4 tấn/ha, lúa không thể bì được với loại cá xuất khẩu này. Từ đó, gia đình quyết định chuyển sang mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng".
Để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cho loài cá xuất khẩu này, phường Tân Thành phối hợp tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học công nghệ, thành lập Câu lạc bộ 200 triệu đồng/ha/năm và Câu lạc bộ cá chình, cá bống tượng. Hiện vùng nuôi cá chình, cá bống tượng của phường Tân Thành có khoảng 350 ha, với 640 hộ nuôi, trong đó, có 22 ha được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.
Ngoài phường Tân Thành, TP Cà Mau có nhiều địa phương chuyển đổi thành công đất lúa sang nuôi cá chình, cá bống tượng như xã Tân Thành, phường Tân Xuyên, xã An Xuyên và một phần Phường 6.
"Tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn đã vạch ra chiến lược: TP. Cà Mau phân ra thành 2 vùng: Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau. Vùng Nam Cà Mau tập trung nuôi tôm quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh. Vùng Bắc Cà Mau tập trung sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái. Đẩy mạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân và hợp tác xã để chi phí đầu vào giảm và năng suất đầu ra sẽ tăng", ông Thái Văn Tính thông tin.