Loài cá khổng lồ thời xa xưa
Các nhà khoa học tin rằng họ đã phát hiện được hóa thạch của một loài cá khổng lồ, với chiều dài như một bể bơi tiêu chuẩn.
Hóa thạch cho thấy loài cá khổng lồ này ăn các sinh vật phiêu sinh. Nó được đặt tên Leedsichthys, sống cách đây 160 triệu năm và cũng đã tuyệt chủng như loài khủng long. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol (Anh) cho biết, trong 20 năm đầu đời loài cá này dài 9 m, đến 18 năm sau có thể dài đến 16,5 m.
Hóa thạch loài Leedsichthys lần đầu tiên được phát hiện bởi Alfred Nicholson Leeds vào năm 1886, do vậy nó được đặt theo tên ông. Tuy nhiên, lúc đó chỉ là những mảnh xương nhỏ nên không thể xác định chiều dài của cá. Đến nay các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều mẫu vật hơn để xác định kích cỡ của cá Leedsichthys. Sinh vật này được cho là nặng 21,5 tấn, tương đương trọng lượng 2 chiếc xe buýt hai tầng hoặc 3 con voi châu Phi. Cá Leedsichthys sống chừng 40 năm, cái miệng rộng của nó dùng để hút những con cá nhỏ, tôm, sứa... riêng các sinh vật phiêu sinh thì được hấp thu qua mang cá.
Theo báo Daily Mail thì các nhà khoa học đã xem xét một loạt các mẫu vật, không chỉ xương mà còn là các cấu trúc tăng trưởng nội tạng giống như các vòng tăng trưởng của thân cây, qua đó xác định được độ tuổi và kích cỡ của chúng. Cho đến nay loài cá có xương sống dài nhất thế giới là Oarfish với 17 m.