Lợi nhuận giảm mạnh nhưng vẫn dồn dập M&A
Mục tiêu chung của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản khi tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A) là mở rộng ngành hàng hoặc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh sụt giảm, nếu không có sự tính toán kỹ, các hoạt động M&A có thể sẽ mang đến rủi ro không nhỏ về mặt tài chính cho các công ty này.
Kinh doanh khó khăn
Quí 3 tiếp tục là quãng thời gian kinh doanh khó khăn đối với nhóm các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn. Bối cảnh chung khá ảm đạm khi xuất khẩu thủy sản chín tháng đầu năm của cả nước chỉ đạt 4,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,8% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu vào các thị trường chủ lực đều giảm mạnh như: Mỹ giảm 30%; Nhật Bản giảm 11%; Hàn Quốc giảm 12%.
“Vua tôm” Minh Phú (MPC) mặc dù đã chính thức rời sàn HSX từ cuối quí 1 năm nay nhưng những thông tin về doanh nghiệp này vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Riêng trong quí 3-2015, MPC đạt doanh thu thuần 3.680 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng trong kỳ đạt 56 tỉ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung chín tháng đầu năm, doanh thu thuần của MPC giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp giảm 47% khiến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là hơn 48 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 778 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận khác đột biến (gần 72 tỉ đồng) giúp MPC mang về 12,5 tỉ đồng lãi sau thuế, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện chưa đến 1% kế hoạch năm (1.415 tỉ đồng). Tính đến cuối kỳ, hàng tồn kho của công ty này cũng tăng mạnh 26% so với đầu năm, lên mức 5.637 tỉ đồng.
Trong khi đó, một “đại gia” khác trong ngành thủy sản là Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) cũng có lợi nhuận ròng trong quí 3 giảm sâu so với cùng kỳ (-76%). Lũy kế chín tháng, HVG đạt 12.906 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gần 20% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng chỉ đạt 64,4 tỉ đồng, giảm 81,2%.
Với kết quả này, HVG mới chỉ hoàn thành được 64,5% kế hoạch doanh thu và 20,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Có hai nguyên nhân khiến lợi nhuận của HVG sụt giảm sâu: (1) doanh thu tài chính lao dốc trong khi chi phí tài chính tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong quí 3, doanh thu tài chính đạt chưa đầy 14 tỉ, giảm gần 82% so với cùng kỳ trong khi chi phí tài chính tăng vọt 175% lên 182 tỉ đồng; (2) Chi phí bán hàng tăng mạnh. Chín tháng đầu năm 2015, HVG chi cho hoạt động bán hàng lên đến 410 tỉ đồng, tăng hơn 35 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lưu kho, giao nhận, vận chuyển nội địa lên đến 118,5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 27 tỉ đồng nên dù nỗ lực tiết giảm các chi phí khác như chi phí quảng cáo, khuyến mãi, vận chuyển... nhưng tổng chi phí bán hàng vẫn tăng cao.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng có kết quả kinh doanh kém khả quan khi lợi nhuận riêng trong quí 3 chỉ đạt 76 tỉ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chín tháng đầu năm, doanh thu của VHC tăng nhẹ 8,2% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm tới 38,6%, chỉ còn 307 tỉ đồng, chủ yếu do chi phí tài chính tăng mạnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như AGF, ATA, VNH cũng báo lỗ trong quí 3. Điểm sáng trong ngành đến từ Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) với mức lãi ròng riêng trong quí vừa qua đạt 44,5 tỉ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng là do trong kỳ giá nguyên liệu giảm mạnh, công ty được bồi thường thiệt hại và hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Lũy kế chín tháng đầu năm 2015, FMC lãi ròng 77 tỉ đồng, tăng gấp gần hai lần so với cùng kỳ, tương đương EPS chín tháng đạt 3.845 đồng.
Dồn dập các kế hoạch M&A
Mặc dù tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi nhưng những đại gia thủy sản vẫn không ngừng các kế hoạch mở rộng thông qua hoạt động M&A. MPC đang đẩy mạnh các thương vụ trong lĩnh vực logistics cảng biển bằng cách mua lại vốn góp của cổ đông hiện hữu, tăng nắm giữ lên mức 50% tại cảng Minh Phú Hậu Giang. Vào đầu tháng 7 vừa qua, MPC cũng đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng Gemadept thành lập Công ty cổ phần Mekong Logistics với vốn 670 tỉ đồng.
Trong khi đó, HVG tiếp tục thâu tóm cổ phần tại một loạt các doanh nghiệp khác như Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng VTF (hiện đã nắm giữ hơn 90%), Thực phẩm Sao Ta (53,5%), Agifish (79,5%)... Việc gia tăng thâu tóm các công ty và đẩy mạnh tham gia liên doanh liên kết (HVG đang giữ cổ phần chi phối 12 công ty bên cạnh tám công ty liên doanh liên kết khác) khiến sức ép nguồn vốn đầu tư và kinh doanh cho HVG ngày càng lớn. Trong chín tháng đầu năm nay, HVG đã tăng mạnh vay ngắn hạn từ mức hơn 5.440 tỉ đồng vào thời điểm đầu năm, lên mức 11.080 tỉ đồng vào cuối quí 3, khiến chi phí tài chính tăng vọt lên mức 350 tỉ đồng.
VHC cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Sau thương vụ chi 360 tỉ đồng mua toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang, hồi năm 2014, VHC tiếp tục chào mua công khai 32,72% vốn của Công ty Thủy sản Cửu Long do SCIC sở hữu vào tháng 8 năm nay. Nếu giá chào mua bằng mệnh giá thì VHC sẽ phải chi khoảng 26 tỉ đồng cho thương vụ này. Nguồn để chào mua được công ty cho biết lấy từ lợi nhuận giữ lại tại thời điểm ngày 31-12-2014 (lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2014 của VHC là 725 tỉ đồng).
Mục tiêu chung của hầu hết doanh nghiệp khi tiến hành M&A là ngoài việc củng cố cũng như bành trướng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh tạo thành chuỗi giá trị khép kín thì còn nhằm mở rộng ngành hàng, lĩnh vực hoạt động để gia tăng lợi nhuận cho cổ đông. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh sụt giảm như chín tháng vừa qua, nếu không có sự tính toán kỹ, các hoạt động M&A có thể sẽ mang đến rủi ro không nhỏ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp ngành thủy sản.