TIN THỦY SẢN

Lợi nhuận hài hòa từ nuôi gia công cá tra

Nâng cao chất lượng cá tra để đẩy mạnh xuất khẩu Thanh Thảo

Sau những thất bại do thua lỗ và trước những bất ổn về giá cả, nhiều người nuôi cá tra đã chuyển hướng sang nuôi gia công cho doanh nghiệp. Mặc dù mô hình này cho lợi nhuận không cao nhưng vẫn đảm bảo giúp họ “sống” được với nghề và quan trọng là tránh những rủi ro về thị trường.

Đôi bên cùng cùng có lợi

Sau thời hoàng kim, từ năm 2011, giá thu mua cá tra đã có những tăng giảm thất thường, không đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ thì hình thức nuôi gia công cho các công ty chế biến thủy sản với sự hỗ trợ về thức ăn, con giống được xem là một hướng đi mới, khá chắc chắn. Khi đó, tại Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Hoàng Long (trụ sở tại Tam Nông) đã áp dụng hình thức nuôi này.

Ông Nguyễn Văn Mách (ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) nuôi 6 ha cá tra gia công cho Công ty Hoàng Long. Nhờ được hỗ trợ đầu ra với giá 3.300 đồng/kg cá thành phẩm, nên vụ nuôi ngay sau đó khi trừ chi phí, ông Mách lời bình quân 1.000 đồng/kg. Ông Mách nhận xét, tuy lợi nhuận không cao nhưng vững chắc, ổn định hơn; cùng đó, diện tích nuôi được cán bộ của công ty đến kiểm tra, xem xét tình trạng sức khỏe cá nuôi, còn thức ăn cho cá định kỳ mỗi tuần được công ty giao đến tận ao, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăn nuôi. Quan trọng hơn, người nuôi không phải vay vốn từ ngân hàng.

Hay như Công ty TNHH Hùng Cá, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển mô hình liên kết nuôi cá tra theo chuỗi giá trị tại Đồng Tháp. Hiện Công ty có vùng nuôi hơn 740 ha, giúp cho hàng trăm hộ nuôi theo chuỗi giá trị ở 5 huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tân Hồng, đa số các vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ASC.

Mô hình liên kết này cũng được thực hiện khá nhiều ở tỉnh An Giang. Theo Sở NN&PTNT An Giang, hiện nay, vùng nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh tập trung ở các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TP Long Xuyên. Các hộ nuôi cá tra thương phẩm liên kết với các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra xuất khẩu theo chuỗi liên kết bền vững, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức xác nhận và cấp giấy xác nhận nuôi cá tra thương phẩm cho doanh nghiệp và hộ dân nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết sản xuất với chế biến xuất khẩu. Điều này nhằm ổn định ngành hàng cá tra, tránh thiệt hại cho người nuôi khi tình trạng dư thừa nguồn cá thương phẩm, không tiêu thụ kịp. Đồng thời, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sẽ đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho chế biến, chất lượng đảm bảo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Đồng bộ về chất lượng

Mặc dù nhận định lợi ích của mối liên kết giữa người nuôi cá và doanh nghiệp không nhỏ, tuy vậy, thời gian qua ở các địa phương cũng đã chứng kiến không ít trường hợp “bẻ kèo” giữa hai bên. Khi nguồn cung cá thương phẩm khan hiếm, doanh nghiệp cũng rất khó khăn vì người nuôi đơn phương phá hợp đồng; thế nhưng, khi cá dư thừa, nông dân cũng điêu đứng vì “yêu sách” của doanh nghiệp.

Để khắc phục được tình cảnh này, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra của Việt Nam, ngành cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Theo một chia sẻ của ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra, cần nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng cá giống. Có chương trình nâng chất lượng cá bố mẹ một cách căn cơ nhằm tăng tỷ lệ cá con sống. Cùng đó, cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn, giống… để doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất kết hợp với các cơ sở nhằm nâng cao chất lượng con giống. Vấn đề này có thể được giải quyết toàn diện khi chương trình giống cá tra 3 cấp được triển khai đồng bộ.

Về thương phẩm, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần củng cố lại vùng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong nuôi để đáp ứng tiêu chuẩn tại các thị trường, nhất là những thị trường khó tính. Muốn xuất khẩu thành công cũng như được thị trường trong nước chấp nhận, các sản phẩm từ cá tra phải tuân thủ các quy định chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quy định này ngày một nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường tự nhiên…

Để làm được điều này, cả người nuôi và doanh nghiệp cần phải cùng thực hiện. Người nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi. Sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong fillet phải đúng tiêu chuẩn, để không bị “mất lòng khách” như đã từng xảy ra tại thị trường Nga cách đây mấy năm.

Tất cả những giải pháp này đều nhằm nâng cao chất lượng cá tra để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là con đường nhanh nhất để ngành cá tra phát triển trở lại.

Thanh Thảo TSVN