Miền Trung nan giải thị trường giống thủy sản
Diện tích nuôi lớn, nên nhu cầu về con giống thủy sản ở địa phương cũng tương đối cao. Tuy nhiên, đến nay năng lực sản xuất giống thủy sản ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những người nuôi.
Cung không đủ cầu
Mặc dù, có nhiều tiềm năng song nghề nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực duyên hải miền Trung vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân, do trên thị trường các loại giống thủy sản còn những bất cập, cung không đủ cầu. Con giống không đảm bảo chất lượng, vàng thau lẫn lộn... Bởi vậy, tìm những giải pháp để ổn định thị trường, đặc biệt hướng đến sự chuyên nghiệp trong cung cấp giống thủy sản cần được các địa phương quan tâm hơn nữa.
Quảng Ngãi một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn ở khu vực miền Trung. Hiện, toàn tỉnh có tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản hàng năm khoảng gần 1.500 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, chủ yếu là nuôi tôm các loại chiếm diện tích lớn khoảng 570 ha. Còn lại là các loại thủy sản nước mặn, nước ngọt... Một số địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn ở Quảng Ngãi như, Đức Phổ, Bình Sơn Mộ Đức...
Diện tích nuôi lớn, nên nhu cầu về con giống thủy sản ở địa phương cũng tương đối cao. Tuy nhiên, đến nay năng lực sản xuất giống thủy sản ở Quảng Ngãi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những người nuôi. Trong đó, nan giải nhất vẫn là mặt hàng tôm giống. Theo ước tính, mỗi năm Quảng Ngãi cần khoảng 1,5 tỷ con tôm giống. Trong khi, các trại giống trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng vài triệu con. Bởi vậy, để có con giống người nuôi tôm ở Quảng Ngãi phải tìm vào tận đến Khánh Hòa hay Phú Yên để đặt mua. Tuy nhiên, không phải mặt hàng này cũng có trên thị trường và chất lượng cũng không lấy gì làm đảm bảo.
Địa phương lân cận là Quảng Nam, người nuôi thủy hải sản cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Giống như Quảng Ngãi ở Quảng Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Địa phương có bờ biển chạy dài trên 125 km, cùng với đó là hệ thống sông ngòi khá đa dạng, tạo nên nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt kể cả ven sông và trên cát. Hiện, địa phương đang có hơn 2.000 ha mặt nước nuôi tôm nước lợ, cần khoảng 2 tỷ con giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất giống thủy sản nào có quy mô, chất lượng để tạo sự yên tâm cho người nuôi. Bởi thế, để có nguồn giống thủy sản, người dân Quảng Nam vẫn phải chủ yếu tìm đến các địa phương khác trong khu vực, với nhiều may rủi khi việc kiểm tra, giám sát chất lượng con giống rất khó khăn.
Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng, chất lượng con giống thủy sản ở miền Trung cũng đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Trên thực tế, các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát vấn đề này khi, từ nguồn cung sản xuất theo kiểu tự phát mạnh ai nấy làm, theo kiểu thủ công gia truyền. Người đi mua thường theo kiểu “truyền tai nhau”, người nọ chỉ người kia. Kết quả, may nhờ rủi chịu mua được con giống tốt thì dễ nuôi, ít bệnh tật và ngược lại. Dù các loại thủy hải sản có bệnh tật, phát triển chậm... người nuôi cũng không có cơ sở nào để yêu cầu nơi cung ứng giống bồi thường.
Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp
Được biết, chủ trương của Quảng Nam cũng như Quảng Ngãi và một số địa phương khác ở khu vực duyên hải miền Trung là tiến dần đến việc nuôi trồng thủy hải sản theo hướng có quy mô và chuyên nghiệp, bỏ dần lối nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ. Việc nuôi trồng thủy hải sản cần sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, từ khâu cung ứng con giống đến thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân...
Điều đáng mừng, thời gian gần đây một số địa phương trong khu vực đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường giống thủy sản, để đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số nơi cũng đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần đảm bảo tính bền vững trong cung ứng giống, giúp người dân có thể yên tâm mua được nguồn giống thủy sản chất lượng ngay tại chỗ...
Đơn cử tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh giống tôm thẻ chân trắng, giống tôm sú và các loại giống thủy sản nước mặn, nước lợ khác theo tiêu chuẩn VietGap. Dự án được triển khai tại Bình Nam, huyện Thăng Bình, thuộc Khu sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản Quảng Nam với diện tích hơn 24 nghìn m2, với kinh phí đầu tư 25 tỷ đồng...
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, xây dựng được Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam là tiền đề rất quan trọng. Trong đó, cần thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 3 công ty đầu tư sản xuất tôm giống được giao đất là Công ty TNHH MTV Thủy sản Long Thịnh Hưng, Công ty cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ.
Theo đại diện Công ty cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng, với 8,5ha đất được chính quyền giao, công ty đặt mục tiêu sản xuất 3 đến 4 tỷ con giống tôm thẻ, tôm sú/năm. Đến nay, công ty đang triển khai xây dựng và hoàn chỉnh các hạng mục của dự án như, trại tôm mẹ với các khu bể đẻ, khu chứa nước, khu lưu giữ thức ăn cho tôm mẹ. Khu sản xuất và ươm tôm giống, ấu trùng làm thức ăn cho tôm ấu trùng...
Với việc các doanh nghiệp vào cuộc để ổn định thị trường giống thủy sản như mô hình Khu sản xuất, kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam là điều đáng mừng cho nhiều hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực và cần được nhân rộng ở nhiều địa phương khác. Với mô hình này, có nhiều ưu điểm so với cách nuôi con giống theo kiểu truyền thống, giảm thiểu các loại bệnh, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ sống cao, tăng năng suất cho các loại thủy hải sản, bảo đảm số lượng cũng như chất lượng nguồn giống thủy sản... mang lại thu nhập ổn định cho người dân.