Mô hình canh tác tôm – khóm - lúa ở Kiên Giang
Mô hình sản xuất khóm – tôm - lúa cấy bệ xuất phát từ sáng kiến của người nông dân qua thực tế sản xuất, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, lấy ngắn nuôi dài để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thời vụ thả tôm là từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch hàng năm khi có nước mặn về. Việc cải tạo ao mương cũng không quá cầu kỳ, chỉ chọn con nước có độ mặn đạt yêu cầu (từ 5‰), nước trong sạch cho vào mương. Sau khi lấy đầy nước, hòa 25 kg vôi bung và 75 kg dolomite vào nước tạt đều cho 1 ha (khoảng 5.000 m2 mặt nước), tạt thêm 5 kg phân DAP, 3 ngày sau đo lại pH đạt 7,0 - 8,5 thì tiến hành thả giống. Tôm giống được ương trước từ 15 - 30 ngày ở khuôn vèo, sau đó đếm đầu con thả vào mương, mật độ 1 con/m2, với mật độ này không cần cho ăn. Sau 3 tháng nuôi bắt đầu thu hoạch, năng suất có thể đạt từ 75 - 110 kg/ha, tôm cỡ 15 - 30 con/kg. Mặt khác, khi nuôi đợt đầu được 2 tháng thì nông dân bắt đầu thả nối lứa tôm thứ hai và cứ thế “đánh tỉa thả bù”. Đợt tôm sau cách đợt tôm trước từ 2 - 3 tháng, lượng tôm thả bổ sung từ 50 - 70% tùy theo tỷ lệ sống của đàn tôm trước. Như vậy nông dân vùng này có thu nhập quanh năm, ước tính thu nhập từ tôm khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu chủ yếu của gia đình trong khi chăm sóc vườn khóm tơ.
Đến năm thứ hai, khóm bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi một hecta khóm, người nông dân thu lợi trung bình 55 triệu đồng (tính giá khóm trung bình 5.000 đồng/trái). Ngoài ra ở đây còn phát sinh mô hình dịch vụ ươm con khóm cung cấp cho các hộ lân cận và thương lái tỉnh ngoài như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh... Sau 3 tháng ươm, con khóm đạt chiều cao từ 20-30 cm, được bán với giá 700-1.000 đồng/con tùy thời điểm.
Cây lúa cũng được tận dụng để trồng xen trong mô hình này. Người dân sử dụng giống lúa mùa “Một bụi đỏ” gieo mạ và cấy một cây chạy dài dọc theo mé líp. Cây lúa tự nhiên phát triển mà không cần phải bón phân, xịt thuốc. Thời điểm gieo mạ là tháng 5 đến tháng 6 âm lịch và đến tháng 7 - 8 âm lịch thì mang ra cấy. Thu hoạch vào tháng Chạp, nếu hộ gia đình có 1 ha rẫy khóm thì cuối vụ có thể thu hoạch được 30 - 40 giạ lúa mùa để ăn.
Trong những năm qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Con tôm dần dần trở thành một trong những nguồn thu chính do chi phí sản xuất thấp, cỡ tôm thu hoạch lớn, giá bán cao, tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy thu nhập từ tôm mỗi đợt là không lớn nhưng cũng giúp nông dân trang trải cuộc sống hàng ngày, giúp người nông dân có điều kiện chăm sóc cho cây khóm được tốt hơn. Lúa cấy bệ không cần phải bón phân, xịt thuốc do đó hạt lúa làm ra là lúa sạch, vì đây là lúa mùa nên chất lượng rất ngon, an toàn cho sức khỏe.
Thiết nghĩ đây là mô hình canh tác tổng hợp mang tính bền vững cao, thân thiện với môi trường, tận dụng tốt các nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế nông hộ. Hiện nay khi mà vấn đề an toàn thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu thì những mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng rất cần phát triển và mở rộng.