TIN THỦY SẢN

Mô hình nuôi cá lăng thương phẩm phù hợp với hồ nước rộng

Cá lăng có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: VNE. Hoàng Vương

Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020, mô hình nuôi cá lăng thương phẩm của anh Vi Ba Linh, thôn Hạ, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng đạt giải ba và được doanh nghiệp nhận hỗ trợ. Từ thực tế cho thấy, đây là mô hình mới cho thu nhập ổn định, phù hợp với những khu vực có hồ nước rộng.

Cá lăng có giá trị dinh dưỡng cao, không có xương dăm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là loài cá da trơn, sinh sống ở tầng đáy, nhiều phù sa, nước chảy chậm và tĩnh lặng. Cá lăng ăn các loại côn trùng trên mặt nước, ấu trùng trong nước và tôm, cua, cá nhỏ. Qua nghiên cứu cho thấy, cá lăng có thể phát triển tốt trong môi trường lồng, bè với thức ăn công nghiệp. Nhận thấy nuôi loại cá này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Vi Ba Linh đã xây đựng dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2020.

Theo tính toán, mỗi con cá nuôi từ khi còn nhỏ đến trưởng thành hết khoảng 7 kg thức ăn chăn nuôi, riêng chi phí thức ăn đến khi cho thu hoạch khoảng 90.000 đồng/con. Nếu mỗi lứa nuôi 12.000 con thì tổng tiền giống và thức ăn hết hơn 1,1 tỷ đồng. Sau 18 tháng, cá đạt trọng lượng từ 2,5 đến 3 kg/con sẽ cho thu hoạch, với tỷ lệ cá chết khoảng 10%, sản lượng thu hoạch khoảng 20.800 kg. Cá được bán với giá 100.000 đồng/kg, như vậy, tổng thu nhập khoảng 2,16 tỷ đồng. Trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y, đầu tư lồng bè… thì thu nhập hơn 800 triệu đồng. Những vụ sau thu nhập sẽ tăng hơn do không phải đầu tư trang thiết bị.


Anh Vi Ba Linh cho cá ăn bằng thức ăn chăn nuôi kết hợp với ốc vàng. Ảnh: Báo Lạng Sơn.

Song song với xây dựng dự án tham gia cuộc thi, anh Linh đã hiện thực hóa ý tưởng của mình bằng việc xây dựng 1 bè nuôi với số lượng 800 con cá giống. Địa điểm nuôi thử nghiệm tại hồ Bản Cắt, thôn Hạ, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng. Khu vực này có diện tích mặt nước trên 3 ha, quanh năm có nguồn nước mát, chảy ra từ các khe núi đá vôi cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Anh Linh cho biết: Trước đây, tôi nuôi các loại cá như: Rô phi, trắm, trôi… Tuy nhiên, trên địa bàn huyện, tỉnh đã có nhiều người nuôi nên tiêu thụ chậm. Trong khi thị trường lại có xu hướng ưa chuộng những thực phẩm mới, lạ, vì vậy, tôi đã chủ động học hỏi mô hình chăn nuôi cá lăng thương phẩm tại một số tỉnh và nhập cá giống về nuôi thử.

Anh Linh bắt tay vào nuôi thử nghiệm với số lượng 800 con cá giống từ tháng 11/2019. Quá trình thử nghiệm cho thấy: cá lăng có sức đề kháng tốt, mặc dù trải qua mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa hè nắng nóng và mưa bão lũ nhỏ… cá vẫn sống tốt, khỏe mạnh. Đặc biệt, tỷ lệ cá hao hụt, mắc bệnh thấp. Điều đó cho thấy cá lăng phù hợp với môi trường nuôi trong lồng bè ở khu vực có nguồn nước mát. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh cho ăn thức ăn công nghiệp, anh kết hợp cho cá ăn cua, cá, ốc sẵn có trên địa bàn. Do đó, thịt cá chắc, thơm ngon được người tiêu dùng và các nhà hàng ưa chuộng. Sản phẩm đang được tiêu thụ tại huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn

Anh Vi Ba Linh cho hay: Sau 18 tháng, vụ cá lăng cho thu hoạch, mô hình cá lăng thương phẩm giúp tôi có thêm thu nhập hơn 60 triệu đồng. Hiện đang có một số nhà hàng nhận bao tiêu khi cá đạt trọng lượng 3 kg trở lên. Do đó, tháng 3/2021, tôi đã đầu tư thêm 5 lồng nuôi, tăng lượng cá nuôi lên 8.000 con. Đến nay, cá sinh trưởng, phát triển tốt trọng lượng trung bình mỗi con đạt 0,6 kg.

Tận dụng nguồn nước mặt tự nhiên để chăn nuôi cá lăng thương phẩm là hướng đi mới phát huy tiềm năng tự nhiên sẵn có của xã Yên Sơn trong nuôi trồng thủy sản; góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Mô hình này cũng có thể áp dụng tại các hồ nước lớn, lượng nước chảy ra vào thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Vương Báo Lạng Sơn