TIN THỦY SẢN

Mối nguy hiểm tiềm ẩn từ đuôi cá đuối

Độc tố từ đuôi được cá đuối sử dụng khi cảm nhận được nguy hiểm Nguyệt Hoa

Trong trường hợp cảm nhận được sự nguy hiểm, đe dọa từ con người, một số loài cá đuối thường tự vệ bằng cách tấn công con người bằng nọc độc từ chiếc đuôi của chúng.

Tại sao cá đuối lại tấn công con người? 

Từ trước đến nay, cá đuối vốn được biết là loài cá không chủ động tấn công con người, nhưng trong tình huống cần tự vệ, chúng sẽ trực tiếp tấn công con người.  

Cá đuối loài có xu hướng tránh né con người nên khi nhận diện được con người ở những phạm vi gần thì cá đuối thường vùi mình dưới cát. Thức ăn ưa thích của chúng cũng là những sinh vật có đời sống khép kín như ngao và một số động vật giáp xác ưa ẩn nấp khác. 

Dù có họ hàng với cá mập nhưng cá đuối không tỏ ra hung hãn trước con người, chúng chỉ tấn công con người trong những tình huống sau: 

Thứ nhất, do thường xuyên ẩn nấp dưới cát để lẩn trốn và đợi con mồi sa bẫy nên con người khó nhìn thấy và vô tình giẫm lên chúng, lập tức chúng sẽ coi con người là đối thủ mà quẫy đuôi liên tục và đâm gai có chứa độc tố vào con người. 

Độc tố từ đuôi được cá đuối sử dụng khi cảm nhận được nguy hiểm 

Thứ hai, một nguyên nhân nữa khiến cá đuối “phát tiết” là khi bị ngư dân đánh bắt chúng bằng những phương pháp mạnh như súng, lao, chĩa,... chúng sẽ cố gắng giãy giụa và gây thương tích cho con người.  

Được biết, cá đuối có hai cái gai độc ở đuôi được bao phủ trong một lớp da mỏng, đây là nơi tập trung nọc độc của cá đuối. Thông thường, các gai nhọn này phân bố trước hai vây lưng và ở trên đuôi của chúng.  

Khi muốn tấn công, chúng rũ bỏ lớp da để gai độc trực tiếp gây tổn thương kẻ tấn công. Điều khiến chiếc đuôi mang độc tố của cá đuối trở thành “huyền thoại” trong thế giới đại dương là bởi chất độc trong đuôi của cá đuối vẫn tồn tại và có khả năng gây sát thương rất cao ngay cả khi chúng chết. 

Một số biểu hiện và cách xử lý khi nhiễm độc tố từ đuôi cá đuôi 

Hiện nay, trên thế giới có ít nhất hơn 20 loài cá đuối biển độc và hầu hết chúng đều phân bố tại vùng biển nhiệt đới. Do được cấu tạo đa phần từ sụn, cá đuối được xếp vào nhóm cá sụn có gai độc. Một trong những loại cá đuối có độc tố nguy hiểm nhất là loài có các gai phân bố ở vùng gần cuối đuôi dài đến 30cm. 

Trong tự nhiên, những loài cá đuối độc thường có khả năng gây ra những vết thương tương đối nghiêm trọng trên cơ thể nạn nhân. Chất độc từ đuôi cá đuối hoạt động theo cơ chế chủ yếu là tác động trực tiếp đến hệ cơ tim và quá trình tuần hoàn máu.  

Khi trúng phải nọc độc của cá đuối, nạn nhân thường có những biểu hiện như: chảy máu sau đó chuyển sang bầm tím; đau nhức, tê ngứa dữ dội xung quanh vùng bị thương hàng giờ liền. Tuy nhiên, trường hợp bị thương nặng hơn thì nạn nhân còn bị lở loét, hoại tử vết thương và trầm trọng hơn là tử vọng nếu không kịp thời sơ cứu và chữa trị. 

Chất độc trong đuôi của cá đuối vẫn có hiệu lực ngay cả khi chúng chết 

Một số lưu ý để tránh bị nhiễm độc tố từ loài cá này là quan sát kỹ những nơi cá đuối có thể ẩn nấp khi tham gia các hoạt động tham quan, thám hiểm dưới đại dương; hạn chế đến gần nếu phát hiện chúng ở xung quanh; nên áp dụng những phương pháp đánh bắt cá đuối an toàn hơn. Bởi khi cá đuối trong lúc mang thai hay đang cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng, hàm lượng độc tố tiết ra sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường. 

Tùy vào trường hợp bị cá đuối tấn công vào từng bộ phận như chân, cổ, bụng,... mà nạn nhân cần có những cách chữa trị đặc thù. Ngay khi phát hiện tình trạng nhiễm nọc độc, nạn nhân có thể sơ cứu nhanh bằng cách rửa vết thương với nước muối loãng, gắp gai độc ra khỏi cơ thể (nếu gai đâm quá sâu thì nên giữ nguyên hiện trạng) và đưa đến bệnh viện. 

Như vậy, cá đuối đúng là loài mà chúng ta không thể “trông mặt mà bắt hình dong” được. Nhìn vẻ ngoài của chúng, nhiều người sẽ cho rằng chúng là loài cá vô hại nhưng với vũ khí bí mật là chiếc đuôi ẩn giấu các gai độc mang tính sát thương lớn như thế, chúng ta nhất định phải hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với loài cá này. 

Nguyệt Hoa