TIN THỦY SẢN

Mọi ý tưởng đều bắt đầu từ quê hương

Anh Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Tài chính Công ty Cầu Phú Mỹ (TP.HCM) thanh dung

Bán công ty ở Úc, Nguyễn Đức Thanh về Việt Nam... nuôi tôm. Và anh cho biết chưa bao giờ hối hận về quyết định đó.

Cách đây gần 6 năm, Nguyễn Đức Thanh quyết định về Việt Nam để nghiên cứu cách nuôi tôm. Nó vốn là công việc không liên quan đến chuyên ngành tài chính mà anh theo học suốt những năm tháng đại học, cũng như nhiều công việc từng kinh qua sau đó. Nhưng anh lý giải đơn giản: “Tất cả những việc tôi làm đều bắt nguồn từ hai chữ quê hương”. Ngay cả vị trí giám đốc tài chính ở Công ty Cầu Phú Mỹ hiện tại cũng vậy. Với nó, anh được tham gia vào nhiều dự án mang tính xã hội tại Việt Nam.

Khởi đầu từ nước Úc

Năm 1979, bố mẹ Nguyễn Đức Thanh mang theo cả gia đình sang Úc định cư. Khi ấy Thanh chừng 17 tuổi. Ngôn ngữ là rào cản suy nhất khiến thời gian đầu cả gia đình anh phải sống nhờ vào trợ cấp an sinh xã hội. Song nhờ sự giúp đỡ của Hội đoàn Anh quốc giáo, chỉ 1 tháng sau, anh được nhập học, các thành viên khác trong gia đình cũng tìm được công việc phù hợp. Vượt qua bậc phổ thông trung học, anh thi vào ngành kỹ sư xây dựng. Nhưng chỉ được một thời gian, anh bỗng bỏ ngang và chuyển qua học tài chính. “Tôi nhận ra tài chính sẽ là con đường giúp mình kiếm tiền nhanh nhất”, anh kể.

Thay vì ra trường cùng lúc với bạn bè, khóa học của anh được kéo dài hơn. “Thấy người ta sắm nhà, sắm xe, mình sốt ruột nên học ít, làm thêm thì nhiều. Có tuần chỉ học chừng 10 tiếng, còn lại tranh thủ đi làm. Cũng nhờ 2 năm học kỹ thuật nên có thời gian tôi làm đến vị trí trưởng phòng kỹ thuật cho một công ty viễn thông ở Sydney. Ra trường sau bạn bè nhưng mình có kinh nghiệm trước và chút vốn dằn lưng”, anh cho biết.

Vì thế, ngay khi tốt nghiệp đại học năm 1988, thay vì đi làm thuê, anh tự mở cửa hàng kinh doanh máy ảnh, máy quay phim và các thiết bị điện tử khác. Kiến thức tài chính học được ở trường kết hợp với kinh nghiệm từ những tháng ngày làm thêm khiến anh phất lên nhanh chóng. Sau chừng 10 năm, anh đã có chuỗi 7 cửa hàng khá lớn ở Sydney mang tên Vision Colour.

Vừa kinh doanh riêng, anh vừa góp vốn vào một số công ty xây dựng, công ty bất động sản và dự định cho ra đời công ty đầu tư quỹ chứng khoán riêng. Khoảng thời gian này anh bắt đầu có những chuyến về Việt Nam để giúp đỡ họ hàng mở những cửa hàng kinh doanh tương tự cửa hàng của anh ở Úc. Những chuyến đi dù ngắn, song lại khiến anh cảm thấy mình và nhiều người Việt Nam xa quê khác quá thiệt thòi khi không được tìm hiểu kỹ về văn hóa quê hương, nhất là không được nói tiếng Việt thường xuyên. “Gia đình mỗi người mỗi nơi, ai cũng có cuộc sống riêng nên hiếm khi gặp nhau”, anh nói.

Và đó là khởi nguồn cho sự ra đời của website Luaviet.com vào năm 1995. Ngày đi làm, tối về anh mày mò với sách, báo chuyên ngành công nghệ thông tin để lập ra website bằng tiếng Việt. Theo anh, đó là nơi để anh thỏa thích chia sẻ thông tin về văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng người Việt khắp thế giới.

Lại nói về công việc kinh doanh của anh, năm 1998, khi chuỗi cửa hàng Vision Colour không còn mang đến kết quả như trước, anh sang nhượng và tập trung vào công ty đầu tư chứng khoán được đặt cùng tên.

Những chuyến về Việt Nam của anh nhiều hơn, thông tin về quê hương cũng được anh cập nhật thường xuyên hơn. Anh cho biết mình muốn làm điều gì đó cho quê hương, không cần to tát nhưng phải thực sự có ích. Anh bỗng quan tâm nhiều đến nông nghiệp, đến người nông dân. Anh bảo thấy nghề nuôi tôm là giúp người ta thoát nghèo nhanh nhất nhưng dễ bị phá sản nếu bị mất mùa. Vậy là anh bắt tay tìm hiểu sách báo để tìm ra mô hình nuôi tôm sạch hiệu quả hơn.

Tiếp tục tại Việt Nam

Năm 2003, anh sang lại công ty ở Sydney và về Việt Nam chuyên tâm với một công việc duy nhất, nghiên cứu kỹ thuật nuôi tôm. Năm 2004, anh bắt đầu tìm hiểu mô hình nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, đến 2 năm sau thì chính thức nuôi tôm ở Sóc Trăng. Cũng vào thời điểm đó, do quá chuyên tâm vào nuôi tôm, anh không còn thời gian chăm sóc cho website của mình nên Luaviet.com cũng dừng hoạt động sau 10 năm tồn tại.

Vậy anh lấy vốn ở đâu để nuôi đến mấy chục ao tôm? “Ban đầu tôi đi xin sự giúp đỡ của cơ quan tài trợ nông nghiệp thuộc Chính phủ Úc, nhưng thấy thủ tục phức tạp quá nên tự bỏ tiền túi luôn. Số tiền bỏ ra cũng gần 3 tỉ đồng”, anh cho biết.

Song “của một đồng thì công một nén”, anh đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả. Anh kể, 10h đêm anh bắt xe từ TP.HCM về Sóc Trăng là khoảng 4h sáng, bắt thêm chuyến nữa về huyện Long Phú là gần 6h, thuê xe ôm chạy gần 45 phút ra tới bến đò và thêm 40 phút lênh đênh trên sông mới đến được trạm chính rồi đi bộ gần 20 phút ra tới ao tôm. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa còn cực hơn. Anh ở đó từ thứ Hai đến thứ Sáu về lại Sài Gòn, tối Chủ nhật lại bắt đầu hành trình cũ. Gần 3 năm trời ăn, ngủ cùng tôm, anh cẩn thận, chu đáo trong từng chi tiết nhỏ nhất bởi không muốn công lao phải đổ sông, đổ biển. Vừa làm anh vừa ghi lại thành tài liệu để sau này người nông dân dễ theo đó mà làm.

Đến năm 2008, sau một số thành công ban đầu, anh chuyển giao công việc cho nông dân và các cộng sự trong suốt thời gian làm việc ở Sóc Trăng. “Khi đó, tôi hết việc để làm”, anh cười và nói. Song thay vì đi tìm một công việc khác, anh lại tham gia vào ban quản trị của khu chung cư nơi anh và gia đình đang sống. Cũng chính tại đây, anh đã có duyên gặp Tổng Giám đốc Công ty Cầu Phú Mỹ rồi được mời về làm giám đốc tài chính. Và anh sẽ viết tiếp câu chuyện đời mình trên mảnh đất quê hương.

thanh dung Theo Nhịp cầu đầu tư