Một lão nông đam mê sáng tạo
Gần 80 tuổi, ông Nguyễn Thụ (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn không ngừng đam mê sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình.
Gặp ông Thụ trong căn nhà khang trang trên đường 2-4, tôi không nghĩ ông là lão nông bởi ông có dáng vẻ của một trí thức. Tuy ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn minh mẫn, tráng kiện. Ông bảo, nông dân học tập ở Bác rất nhiều, điều ông tâm đắc nhất là lời dạy của Bác về “cần, kiệm”. Nông dân phải biết cần cù, chịu khó, đam mê, sáng tạo mới thành công. Đối mặt với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thời tiết thất thường, dịch bệnh rình rập, nông dân cần phải sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Nông dân cũng cần phải biết tiết kiệm, biết dành dụm, chắt chiu, bởi giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, thu nhập chưa cao. Biết tiết kiệm, “lấy công làm lời” luôn là phương châm hữu ích cho nông dân, nông nghiệp hiện nay.
Được biết, năm 1988, ông từ bỏ nghề sửa chữa xe tải để chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Ông cho rằng, mọi thành công đều bắt nguồn từ sự trải nghiệm. Vì vậy, ông lao vào tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu. Vùng nuôi thủy sản của ông rộng 6ha tại khu vực Suối khoáng nóng Tháp Bà và cồn Ngọc Thảo. Đây là vùng đất thường xuyên bị nhiễm phèn, tôm rất khó nuôi vì độ pH thấp. Nếu không có biện pháp xử lý thích hợp, tôm sẽ chậm lớn, thậm chí có thể bị chết do sốc phèn nếu độ pH thay đổi đột ngột. Tình thế này buộc ông phải tìm giải pháp khống chế. Liên tưởng đến giàn khử phèn từ các cơ sở làm nước đá, ông nghĩ ngay đến việc sáng tạo một công cụ khử phèn cho ao nuôi tôm. Thế là giàn khử phèn “made in Nguyễn Thụ” ra đời trên cơ sở tận dụng các vật liệu sẵn có bằng tre, bện dây cước. Giàn lọc phèn này không những giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường, giúp tôm khỏe, chóng lớn...
Ông Thụ cho rằng làm việc gì cũng nghĩ đến hiệu quả của nó. Bởi thế, các giải pháp sáng tạo của ông đều thể hiện rất rõ dấu ấn này. Khi nghề nuôi tôm thất bát, ông chuyển sang nuôi cua kết hợp với cá măng. Và chính đề tài nuôi cua kết hợp với cá măng đã giúp ông đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ IV. Tuy giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Cua sống tầng đáy, cá măng sống tầng nổi, không cạnh tranh nhau. Thức ăn thừa và phân cá măng thải ra là nguồn dinh dưỡng cho các phiêu sinh vật phát triển để làm nguồn thức ăn cho cua. Giải pháp này giúp việc nuôi cua và cá măng tiết kiệm được chi phí, giảm rủi ro do dịch bệnh, tăng lợi nhuận khi thu nhập cùng lúc hai nguồn lợi. Ông Thụ cho biết, lợi nhuận của việc nuôi riêng lẻ chỉ đạt tối đa 100 triệu đồng/ha, nhưng khi nuôi kết hợp sẽ lên tới 250 triệu đồng/ha.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, giải pháp “Nuôi kết hợp cua xanh, cá măng cải tiến ở vùng nước lợ chủ động nước” đã giúp ông có thêm một giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ V. Với phương châm tiết kiệm, hiệu quả, chủ đề tài đã tích hợp các cách nuôi trong nhiều năm qua. Chủ động nguồn nước sạch từ giếng khoan; thay nước thường xuyên và giải phèn bằng giàn rơi; nuôi khép kín để dễ quản lý... các biện pháp này không những tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất mà còn giúp cho đối tượng nuôi ít bị dịch bệnh, môi trường đảm bảo. Theo tính toán, kinh phí ông Thụ đầu tư ban đầu là 237 triệu đồng để nuôi 4.000 con cua xanh và 4.000 con cá măng; sau 7 tháng nuôi, trừ hết chi phí, ông thu lãi hơn 250 triệu đồng.
Luôn tổng hợp các giải pháp mang lại lợi ích kinh tế cao và tiết kiệm trong sản xuất, ông Thụ đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực kinh tế và đoạt nhiều giải thưởng sáng tạo. Ông đã có 3 sáng kiến được trao giải của Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh và 1 giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo nhà nông do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phước: Ông Nguyễn Thụ là nông dân gương mẫu; gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu. Ông luôn được người dân yêu mến, tin tưởng…