TIN THỦY SẢN

Một món nghêu luộc, bị áp đến 5 kiểu thuế suất

Theo VASEP, việc tính thuế trên vô cùng phức tạp dễ gây sai sót nhầm lẫn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Phạm Anh (Tiền phong)

Do không thống nhất giữa thuế và hải quan nên một sản phẩm nghêu luộc bị áp đến 5 kiểu thuế suất khác nhau, khiến doanh nghiệp “bối rối” giữa mê cung thuế suất.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan thống nhất về việc áp thuế nói trên.

VASEP cho biết, một số doanh nghiệp hội viên phản ánh, việc nộp thuế theo phương thức kê khai đang gặp nhiều vướng mắc về thuế trong mua-bán các sản phẩm thủy sản sơ chế phải qua công đoạn luộc/hấp (như nghêu, ghẹ thịt …).

Theo đó, với sản phẩm nghêu vỏ, thịt (dạng hấp, luộc- sơ chế) sản xuất trong nước và nhập khẩu (có đặc điểm, quy trình sản xuất như nhau) bị áp thuế suất GTGT rất khác nhau.

Cục thể, thuế suất GTGT đầu vào của nghêu luộc (sơ chế- mục đích để tách vỏ, lấy thịt ra), doanh nghiệp mua nghêu luộc của các đơn vị trong nước sẽ không tính thuế (Theo khoản 5, điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về đối tượng không phải kê khai,tính nộp thuế GTGT).

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhập khẩu nghêu luộc nói trên, hải quan tính thuế thuế GTGT 10% (theo biểu thuế nhập khẩu nghêu luộc xếp vào nhóm động vật giáp xác đã được chế biến hoặc bảo quản (1605).

Trong khi đó, theo hướng dẫn hiện hành của Tổng cục Thuế, nghêu luộc thuộc nhóm “Thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường” và thuế suất thông thường là 5%.

VASEP cũng cho biết, với thuế đầu ra nghêu luộc (sơ chế) nói trên (sau khi phân loại đóng gói bán ra), đơn vị bán nghêu luộc cho các doanh nghiệp, HTX khâu kinh doanh thương mại sẽ không kê khai tính thuế; nhưng bán cho đối tượng khác thuế suất 5% (không phân biệt nguồn gốc từ nhập khẩu/hay trong nước).

Tuy nhiên, cũng sản phẩm đó, nếu nhập khẩu, Hải quan áp thuế đầu vào GTGT 10% (do xếp vào sản phẩm đã qua chế biến) thì bán ra cũng phải tính 10%. 

Theo VASEP, với cách trên, cùng 1 sản phẩm là “nghêu luộc” doanh nghiệp bán ra có thể bị áp 5 thuế suất khác nhau: Không chịu thuế (tự nuôi trồng bán ra); không tính thuế (bán cho doanh nghiệp HTX); thuế 0% xuất khẩu; thuế 5% nghêu sản xuất trong nước bán cho đối tượng khác và thuế 10% (với nghêu có nguồn gốc nhập khẩu) .

VASEP cho biết, khi thắc mắc vấn đề trên, Phòng hỗ trợ tuyên truyền (Cục thuế TP.HCM) cho biết, việc tính của cơ quan thuế là phù hợp với các đơn vị đang áp dụng (thuế suất GTGT nghêu luộc đơn vị mua bán với doanh nghiệp khác đều thuộc đối tượng không tính thuế) và cho rằng Hải quan tính thuế 10% (nghêu luộc sơ chế) không phù hợp với tinh thần văn bản 3515/TCT-CS ngày 8/8/2016 và qui định luật thuế GTGT đối với các sản phẩm thủy sản sơ chế.

Trong khi đó, Cơ quan Hải quan TP.HCM và hải quan địa phương trả lời: việc áp thuế suất GTGT 10% theo đúng biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu. Còn văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế nói trên không áp dụng với hàng nhập khẩu và văn bản này không được gửi cho Hải quan.

Ngoài ra, cơ quan thuế địa phương hướng dẫn: Nghêu luộc bán ra phải tách riêng nguồn nhập khẩu thuế GTGT 10%, nguồn sản xuất trong nước 5%. Tương tự, siêu thị bán ra cùng một mặt hàng cũng phải tách nguồn để áp 2 thuế suất khác nhau trên. 

Theo VASEP, việc tính thuế trên vô cùng phức tạp dễ gây sai sót nhầm lẫn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng (nếu thêm thuế suất GTGT theo nguồn gốc). “Với hướng dẫn và giải đáp khác nhau như trên của phía Cục Thuế và Hải quan, hiện các doanh nghiệp vô cùng bối rối với mê cung thuế suất và sự không thống nhất nói trên”, VASEP cho biết.

Phạm Anh (Tiền phong)