TIN THỦY SẢN

Một số kết quả bước đầu về đánh giá nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2012

Nguyễn Bá Thông (tổng hợp)

Trong khuôn khổ tiểu dự án I.9: "Điều tra tổng thể hiện trạng đa dạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam" thuộc Dự án “Điều tra tổng thể hiện trạng đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Việt Nam; Quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững”, với mục tiêu điều tra, đánh giá nguồn lợi cá nổi nhỏ ở vùng biển Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản đã sử dụng tàu nghiên cứu M.V.SEAFDEC2 của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), với chiều dài 37m; chiều rộng 7,2m; mớn nước 3,8 và công suất máy chính 800 CV. Thiết bị nghiên cứu gồm máy thủy âm (echo sounder) đa tần số, với các đầu dò có tần số: 38 kHz, 120 khz và 200 kHz, máy dò ngang (scanmar), lưới kéo trung tầng, lưới kéo đáy, thiết bị thu mẫu thủy sinh vật (thực vật phù du - Phytoplankton, động vật phù du - Zooplankton) và hải dương học được sử dụng trên tàu trong suốt chuyến điều tra. Đường dò nghiên cứu được thiết lập dạng zic zắc được thiết lập từ phía Tây Vịnh Bắc bộ xuống đến khu vực Tây Nam bộ (tổng chiều dài đường dò khoảng 4.200 hải lý).

Một số kết quả điều tra bước đầu liên quan đến thành phần loài, thành phần sản lượng, trữ lượng của các nhóm hải sản quan trọng. Cụ thể, các chuyến điều tra đã bắt gặp và định loại được 471 loài thuộc 263 giống, 144 họ hải sản trên toàn vùng biển Việt Nam. Trong đó, vùng biển Đông Nam bộ bắt gặp nhiều loài nhất (313 loài), tiếp theo là Vịnh Bắc bộ (270 loài), Tây Nam bộ (240 loài) và Trung bộ (134 loài). Số lượng loài, giống và họ cá nổi  bắt gặp ở hai mùa gió (Đông Bắc và Tây Nam) - không có sự sai khác, đã bắt gặp 47 loài các nổi nhỏ, thuộc 31 giống và 9 họ. Nhìn chung, số lượng loài cá nổi nhỏ ở khu vực biển Vịnh Bắc Bộ, khu vực Đông và Tây Nam bộ đa dạng, phong phú hơn so với khu vực Trung bộ.

Tuy vậy, các loài cá nổi nhỏ chiếm ưu thế ở vùng Vịnh Bắc bộ và Trung bộ là các nục sồ (Decapterus maruadsi) và cá sòng nhật (Trachurus japonicus), trong khi đó, các loài cá ngân (Atule mate), cá sòng gió (Megalaspis cordyla) và cá tráo (Selar crumenophthalmus) chiếm ưu thế ở vùng biển Đông và Tây Nam bộ. Cá hố (Trichiurus lepturus) chiếm ưu thế toàn vùng biển Việt Nam.

Trữ lượng nguồn lợi (tấn) ước tính dựa vào các chuyến điều tra thủy âm năm 2011-2012

Theo kết quả ước tính ban đầu, tổng trữ lượng cá khảo sát được bằng phương pháp thủy âm tại vùng biển Việt Nam khoảng 3,07 triệu tấn. Cho thấy, không có sự biến động nhiều về trữ lượng nguồn lợi ở vùng Vịnh Bắc Bộ giữa hai chuyến điều tra - (chênh lệch khoảng 630.000 tấn). Biến động mạnh theo mùa gió được tìm thấy ở vùng biển Đông Nam bộ, khoảng 571.000 tấn (mùa gió Tây Nam) và 1,2 triệu tấn (mùa gió Đông Bắc). Đối với từng nhóm loài cá nổi nhỏ, kết quả điều tra cho thấy không có sự biến động nhiều giữa hai mùa gió, như nhóm cá cơm, cá trích, cá nục. Ngược lại, nhóm cá hố và cá ngân, cá tráo có sự biến động mạnh về nguồn lợi theo mùa gió.

Trữ lượng nguồn lợi ước tính theo các nhóm cá nổi chính (tấn)

Với tiếp cận tương đối hiện đại về điều tra, đánh giá nguồn lợi cá nổi nhỏ - sử dụng máy thủy âm khoa học chuyên biệt (scientific echo sounder), Viện Nghiên cứu Hải sản đã bước đầu đưa ra được bức tranh về nguồn lợi cá nổi nhỏ ở vùng biển Việt Nam trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, phương pháp điều tra cá nổi nhỏ bằng thủy âm ở Việt Nam hiện nay có một số nhược điểm, hạn chế như: chưa có đầy đủ các nghiên cứu về hệ số phản hồi âm (TS - Target Strength) của các loài cá nổi nhỏ điển hình ở Việt Nam, chưa giải quyết được “vùng mù" (blind zone) là tầng nước từ mặt biển xuống khoảng 4m sâu, vùng này đầu dò (transducer) của máy thủy âm không thể phát hiện được cá nổi nhỏ, trong khi nhiều loài cá nổi nhỏ phân bố ở tầng nước mặt (từ 4m sâu trở lên bề mặt biển). Vì vậy, trữ lượng nguồn lợi cá nổi nhỏ có thể bị ước tính thấp hơn thực tế hoặc có thể sai số do việc di chuyển của cá đi theo tàu....Trong giai đoạn tới, cần nghiên cứu và đầu tư tiếp theo cho điều tra nguồn lợi cá nổi nhỏ ở Việt Nam để có bức tranh tổng thể về nguồn lợi và biến động nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam.

Nguyễn Bá Thông (tổng hợp) Theo Fistenet.gov.vn