TIN THỦY SẢN

Một số mô hình nuôi cá lóc ở Việt Nam

Cá lóc là một loài cá nước ngọt phổ biến tại Việt Nam Phước Hà

Cá lóc là một loài cá nước ngọt phổ biến tại Việt Nam. Tại nhiều tỉnh thành, nuôi cá lóc là một ngành nghề có hiệu quả kinh tế cao được nhiều bà con nhà nông lựa chọn.

Hiện nay, có nhiều mô hình nuôi cá lóc khác nhau được áp dụng tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng hộ gia đình. Vậy đó là những mô hình nào?

Mô hình nuôi cá lóc trong ao đất

Nổi tiếng với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao, nuôi cá lóc trong ao đất là một trong những mô hình nuôi trồng hiệu quả được nhiều bà con nông dân áp dụng đối với loại cá này.  

Mô hình này được nhiều hộ gia đình lựa chọn bởi những ưu điểm vượt trội. Ưu điểm đầu tiên là tận dụng được ao đất sẵn có trong vườn, tiết kiệm chi phí xây dựng các loại bể nuôi, ao nuôi khác. Nhờ vậy, mô hình này phù hợp với những hộ có điều kiện kinh tế hạn hẹp. Bên cạnh đó, nuôi cá lóc trong ao đất còn tiết kiệm công sức chăm sóc, việc cho cá ăn cũng đơn giản hơn so với nuôi trong bể xi măng hay bể lót bạt.


Thả cá lóc giống vào ao nuôi đất

Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn một số nhược điểm mà nhà nông cần lưu ý. Thứ nhất, do đặc tính hay trốn dưới đáy bùn, điều này gây nhiều khó khăn trong quá trình thu hoạch. Nếu không thu được hết cá lóc trong ao trước khi thả đợt giống mới, cá con có thể bị cá cũ ăn thịt, điều này làm ảnh hưởng đến năng suất của vụ sau. Thứ hai, khi xảy ra dịch bệnh, việc xử lý cá lóc trong ao đất gặp nhiều khó khăn hơn so với nuôi trong bể xi măng hoặc bể lót bạt. Do diện tích ao lớn, việc sử dụng thuốc trị bệnh có thể tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng

Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng mang đến nhiều lợi ích nổi bật:

- Bể xi măng có thể dễ dàng lắp đặt lưới che phủ, điều này giúp ngăn chặn ánh nắng trực tiếp gây hại cho cá và hạn chế tình trạng tràn nước do mưa lớn. 

- Việc xây dựng bể xi măng gần nguồn nước giúp việc thay nước, vệ sinh bể trở nên đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn. 

- Các bể cá xây bằng xi măng có khả năng chịu lực tốt, chống thấm nước hiệu quả, đảm bảo độ bền bỉ theo thời gian.

- Có thể chủ động về nguồn nước và dễ dàng xử lý nếu cá mắc bệnh, từ đó giảm thiểu các rủi ro về mầm bệnh. 

Song song với những ưu điểm đó, nhà nông cần lưu ý một số điều trước khi bắt tay vào nuôi cá trong bể xi măng như: 

- Nuôi cá trong bể cần thay nước thường xuyên để đảm bảo môi trường nước sạch, mát cho cá sinh sống.

- Nhà nông phải thi công bể nên cần chuẩn bị trước kinh phí đầu tư. 

- Cần chủ động nguồn nước, đảm bảo nguồn nước không nhiễm phèn. Mỗi bể nuôi cần có diện tích tối thiểu khoảng 9m2, bên trong cần lát gạch để tránh tình trạng cá bị xây xát. Nếu bể mới xây cần thay nước khoảng 7 ngày để xi măng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá lóc. 

Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt

Nuôi cá lóc trong bể lót bạt nổi lên như một mô hình nuôi trồng thủy sản tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Mô hình này có kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian thu hoạch nhanh, đầu ra của mùa vụ có chất lượng cá tốt và giá thành cao.

Nuôi cá lóc trong bể lót bạt nổi lên như một mô hình nuôi trồng thủy sản tiềm năng

Bể nuôi cá lóc thường có diện tích dao động từ 30 đến 100 m2. Kích thước này vừa đủ để chia thành nhiều bể nhỏ, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý cá trong suốt quá trình nuôi. Việc phân chia bể cũng giúp tách riêng cá có kích thước nhỏ hơn để tránh tình trạng cạnh tranh thức ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển của nhau.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt nổi bật với nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi: 

- Dễ dàng kiểm soát nguồn nước: Hệ thống xử lý nước luân phiên giúp duy trì môi trường nước sạch, tạo dòng chảy kích thích cá vận động và phát triển.

- Dễ dàng phòng ngừa dịch bệnh: Sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên có nguồn gốc giúp kiểm soát chất lượng dinh dưỡng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh do nguồn thức.

- Chi phí đầu tư tiết kiệm: Phần lớn chi phí đều tập trung ở con giống và thức ăn, các chi phí liên quan đến vật liệu đều khá rẻ, đây là ưu điểm giúp bà con nhà nông tối ưu kinh phí, từ đó nâng cao lợi nhuận cho mỗi vụ mùa. 

Mô hình nuôi cá lóc trong mùng lưới

Nuôi cá lóc trong mùng lưới mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho nhà nông, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập với nhiều ưu điểm nổi bật:

- Việc nuôi trong lưới, mùng giúp người nuôi dễ dàng theo dõi, kiểm tra sức khỏe và tình trạng phát triển của cá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh.

- Nuôi cá trong lưới, mùng hạn chế tối đa tình trạng thất thoát do cá lóc trốn thoát, giúp người nuôi thu hoạch được tối đa sản lượng cá.

- Phạm vi cho ăn được thu hẹp, hạn chế thức ăn rơi vãi và thất thoát, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá.

- Người nuôi có thể tận dụng ao hồ và nguồn nước sẵn có từ ao hồ để thực hiện mô hình nuôi cá lóc trong mùng mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí xây dựng ao nuôi.

- Việc thiết kế lưới mùng, lồng nuôi kỹ lưỡng giúp bảo vệ cá khỏi nguy cơ thất thoát do lũ lụt. Nếu mực nước dâng cao, bà con có thể nâng lưới mùng lên cao hơn để đảm bảo an toàn cho cá.

- Nuôi cá lóc trong lưới, mùng có thể kết hợp với nuôi các loài cá khác ở bên ngoài mùng, từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi cá lóc trong mùng lưới đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và kỹ thuật để quản lý rủi ro hiệu quả, đảm bảo sản lượng và chất lượng cá thu hoạch. 

Mô hình này cũng tiềm ẩn những khó khăn nhất định ở nguồn nước. Chất lượng nước sông có thể bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

Nhìn chung, có nhiều mô hình nuôi cá lóc khác nhau được áp dụng tại Việt Nam, mỗi mô hình đều có những ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn mô hình nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, nguồn nước, diện tích ao nuôi, vốn đầu tư và kinh nghiệm của người nuôi.

Phước Hà