Mùa cá cơm trên hồ Trị An
Hồ Trị An đang bước vào giai đoạn tích nước, mực nước trên lòng hồ bắt đầu dâng cao, cũng là lúc các loài thủy sản từ thượng nguồn đổ về nhiều hơn, trong đó có loài cá cơm, đặc sản của hồ Trị An.
Hiện nay tại hồ Trị An đang bắt đầu vào mùa khai thác, đánh bắt cá cơm. Vào thời điểm này, cá cơm phát triển dồi dào, con nào cũng mập mạp, thuận lợi để ngư dân đánh bắt mang lại nguồn thu nhập tốt.
* Độc đáo đánh bắt cá cơm
Ông Huỳnh Thanh Sang (ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) có hơn chục năm đánh bắt cá cơm bộc bạch, để bắt loài cá này, ngư dân phải dùng nhiều cách như: lưới kéo khơi, lưới giăng. Ghe xuất bến từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau là tấp nập trở về.
Giữa lòng hồ rộng lớn, ghe của ông Sang chầm chậm buông lưới, sau đó ông gắn đèn điện chiếu sáng buông thẳng xuống mặt nước để “dụ” cá. Loài cá cơm khi nhìn thấy ánh sáng sẽ bơi đến để tìm thức ăn. Ánh sáng từ chiếc đèn pin không chiếu rọi ra xa mà được ngư dân để nằm sàng sàng trên bề mặt nước. Chính ánh sáng này đã thu hút từng đàn cá cơm đua nhau bơi vào, hết đợt này đến đợt khác.
Hiện nay, để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều người dùng máy sấy cá cơm để giữ được độ giòn, ngon và ngọt. Hàng làm ra không đủ cung cấp cho các mối. Từ chỗ là món ăn bình dân nay khô cá cơm trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng vì làm từ cá tự nhiên.
Cứ cách khoảng 1 giờ đồng hồ thì ông Sang bắt đầu cất lưới lên, công việc cứ lặp đi lặp lại cho đến khi trời hửng sáng mới dừng. Ánh đèn pin chiếu đến đâu, mảnh lưới vớt lên những mẻ cá nặng trĩu. Đàn cá gặp cạn, nảy mình liên tục trên tấm lưới. Thời điểm đánh bắt cá về đêm và rạng sáng.
Theo ông Sang, ngày trước, cá ở gần trong bờ, nhưng giờ nước xung quanh không còn sạch, cá sống ra xa nên muốn đánh bắt nhiều phải đi ghe đến giữa hồ. Cá dần ít lại, có người đi đánh bắt cả đêm không đủ trả tiền dầu và công sức bỏ ra. Nhưng nhờ kinh nghiệm từ hơn chục năm theo nghề nên ông luôn đón được luồng cá và thường giăng được mẻ cá lớn.
“Nhiều người bây giờ vì lợi trước mắt mà dùng xung điện, nhưng tôi làm hoàn toàn bằng thủ công để đánh bắt lâu dài. Giống cá này sinh sản rất nhanh, đặc biệt là khi con nước dâng cao nên người dân có thể đánh bắt quanh năm. Lộc trời cho mà, vô lưới loại nào thì bắt loại ấy thôi. Mùa này, cá cơm con nào cũng béo tròn, trắng tinh” - ông Sang chậm rãi nói.
So với các loài thủy sản trên lòng hồ Trị An, ngoài cách đánh bắt cá cơm chủ yếu bằng thủ công, dùng sức người thì việc thu hoạch (gỡ cá từ lưới) ra cũng hết sức độc đáo. Mọi công đoạn đều làm từ từ, chậm rãi, muốn nhanh cũng không được.
Bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) cho hay, cứ sáng sớm khi cá ghe đánh cá trở về là trên bờ dưới nước ở làng cá Bến Nôm (ấp Bến Nôm 1, xã Phú Cường) nhộn nhịp hẳn lên, nhưng đông nhất vẫn là lực lượng tham gia gỡ cá khỏi các tấm lưới, bởi một “ê-kíp” thường phải có tới 4 người.
Vì loài cá này nhỏ chỉ bằng đầu đũa lại mềm nên khi gỡ cá phải hết sức cẩn thận. Trước tiên người ta quây lưới lại thành một cái chụp, sau đó cử 2 người đứng vào bên trong dùng vợt đập cho cá dính trên lưới rơi xuống. Trong khi đó, 2 người ở ngoài kéo từng mẻ lưới ra, gỡ những con cá còn sót lại ở trên lưới.
“Thu hoạch cá rất cực, tốn thời gian nhưng bù lại cá tươi và không bị nát. Loại cá đặc sản này ngày càng được giá nên ngư dân vẫn có thể bám trụ với nghề” - bà Thúy kể.
* Đặc sản thiên nhiên hồ Trị An
Những ngày này ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An cũng bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Những người có kinh nghiệm trong nghề cho biết, tùy vào đặc thù của từng vùng nước mà ngư dân có cách “đón luồng” cá cơm để thu được thành quả cao nhất. Có ghe khai thác một đêm được 30-40kg, nếu trúng luồng cá có khi thu hoạch được 50-60kg.
Cá cơm vừa thu hoạch đã được bán ngay khi đưa lên bờ tại khu vực xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: D.NGỌC
Lão ngư Trần Văn Đại (ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) nói, khoảng mấy năm trở lại đây cá cơm hồ Trị An trở thành đặc sản. Cá cơm nước ngọt ngon hơn cá cơm biển. Loại này lúc còn nhỏ, khoảng bằng đầu đũa ăn, bà con thường gọi là cá cơm mồm, thịt màu trắng sữa nên còn gọi là cá cơm sữa.
Theo lời ông Khải, đầu ra của cá cơm khá ổn định, có bao nhiêu cũng bán hết, giá cả cũng nhỉnh hơn so với trước. Cá càng tươi, to đều thì càng được giá và dễ bán. Sau mỗi chuyến đánh bắt lênh đênh trên hồ, ông cũng kiếm được 300-400 ngàn đồng, đủ để trang trải sinh hoạt của gia đình.
Với bà Tám Vân (ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) chuyên bán cá cơm thì bộc bạch, đây là món ngon từ thiên nhiên. Cá cơm nước ngọt tuy nhỏ nhưng thịt mềm ngọt ngon, thường dùng để kho lạt, kho tiêu, chiên giòn, phơi khô và món nào cũng hấp dẫn. Sau khi chế biến, thịt và xương cá đều mềm, thơm ngon độc đáo, không thua gì các loài đặc sản khác.
“Cách làm đơn giản nhất là kho tiêu hoặc chiên giòn, cầu kỳ hơn một chút là lăn bột chiên với nước cốt dừa. Mấy năm trở lại đây, cá cơm hồ Trị An còn được nhiều người biết đến là món ăn hấp dẫn qua cách chế biến độc đáo của đầu bếp và các bà nội trợ đảm đang. Vì thế tôi chuyển sang làm khô cá cơm, đem bán cho các mối ở Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh...” - bà Tám Vân tâm sự.
Những con cá cơm còn tươi đem sơ chế sạch sẽ. Sau đó, cá được ướp với một ít muối, đường, ớt bột rồi đem phơi khô trên những tấm vỉ lớn. Cá cơm nhiều thịt, ít xương, mình mỏng nên chỉ cần phơi một nắng là có thể đem bán. Khoảng 10kg cá tươi thu về được 1,5kg cá khô, giá bán từ 120-150 ngàn đồng tùy loại (loại có ướp gia vị hoặc loại khô nguyên con).