TIN THỦY SẢN

Mùa cá trích biển Tây Nam

Gỡ cá trích ở bãi Khem.Ảnh: NHẬT HỒNG Nhật Hồng

Cá trích ở bãi Khem, Phú Quốc nhiều vô kể. Nơi đây dần hình thành làng nghề đánh bắt cá trích từ năm 1976 của thế kỷ trước...

Bãi Khem còn có tên Kem, cách thị trấn An Thới, Phú Quốc (Kiên Giang) 2 cây số. Theo lời thầy Khánh, giáo viên cấp II Dương Đông: “Bãi này, trước năm 1975 nhà tù Phú Quốc dành cho tù nhân ra tắm, sau khi đất nước thống nhất, ngư dân thấy nơi đây bình yên sóng gió nên tụ tập về làm bãi neo đậu thuyền đánh bắt gần bờ. Cá trích ở đây nhiều vô kể. Bãi Khem dần hình thành làng nghề đánh bắt cá trích từ năm 1976 của thế kỷ trước”.

Làng nghề có khoảng trên 50 hộ ngư dân, cứ đến 3 giờ khuya ơi ới gọi nhau, nửa tiếng sau lên tàu.

Xóm lưới bãi Khem rộn rịp ra khơi từ 3 giờ rưỡi sáng và trở về quãng 9 giờ. Hơn 50 hộ ngư dân này có 5 tàu, mỗi tàu chở được 10-12 thuyền thúng. Họ thường đi khơi xa khoảng 15 cây số trong buổi sớm biển yên lành. Tới lúc hừng đông đến điểm cá, tàu thả thuyền thúng theo đường thẳng, mỗi thuyền cách nhau chừng 50 mét.

Bà con để lưới sẵn trong thuyền thúng, cứ buông lưới xuống biển khoảng 30 phút là xong, mỗi người có 10 tay lưới kết thành đường lưới dài hơn 1.000 mét. Chờ khoảng 30 phút sau thì bắt đầu cuốn lưới. Thời gian cuốn hơn tiếng đồng hồ, vì cá nặng trịch theo từng thước lưới trên tay. Khi ấy, chủ tàu bắt đầu “vớt” ngư dân lên tàu.

Về tới bãi, mỗi tay lưới phải có hai người phăng, người nắm một giềng, giềng trên và giềng dưới. Vừa phăng vừa gỡ cá. Thời gian gỡ cá mất hơn tiếng đồng hồ nữa. Trung bình mỗi tay lưới mùa này đánh được trên 100 ký cá trích; giá mỗi ký mùa tháng Bảy này bán được 12.000 đồng, trừ chi phí có người còn hơn triệu đồng trong mỗi buổi sáng. Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Minh, quê ở Quảng Ngãi, vô đây sinh sống đã 30 năm bằng nghề đánh cá trích, cá trích có nhiều từ tháng 4 đến tháng 10 Âm lịch. Tới mùa gió bấc thì ngư dân giăng bắt ít hơn, nhưng ngược lại giá cá gấp đôi, nên mỗi ngư dân kiếm lời không dưới 800.000 đồng mỗi chuyến.

Ông Minh kể, cá trích còn có tên gọi khác, lúc nhỏ có tên cá ve, khi lớn gọi cá mắt tráo. Cá sống tập trung đi ăn thành bầy, tạo thành quầng nổi bọt trên mặt nước, nên ngư dân bãi Khem có kinh nghiệm tìm đúng nơi cá tập trung buông lưới, chắc ăn là trúng. Khi ngọn gió Nam (gió nồm) thổi mạnh như mùa này là tới mùa cá trích, mùa bội thu của bà con ngư dân Phú Quốc.

Ông Minh tâm sự: “Làm nghề lưới ở đây kể ra cũng nhàn, nhưng một mình làm không được, phải có vợ phụ giúp, hoặc mướn ai đó gỡ cá khi đánh bắt về. Khi đi thả lưới thì chỉ cần một người quen tay nghề buông lưới, chờ 30 phút sau là cuốn lưới”.

Theo ông Minh, tiền chủ tàu chở đi gọi là “tiền dầu”, mỗi thuyền thúng trả 60.000 đồng. Như vậy mỗi chuyến khơi, chủ tàu cũng thu được số tiền tương đương với dân thả lưới, trong khi chủ thuyền cũng có tay lưới như ngư dân khác. Cá trích ngay sau khi được gỡ ra khỏi lưới là có mối từ chợ Dương Đông, chợ An Thới đến cân, bao nhiêu cũng hết.

Về các món ăn chế biến từ cá trích, ông Minh khoe với khách mới từ đất liền ra đảo: “Có món gỏi cá trích gói bánh tráng, kho rim, kho lạt, nướng... món nào cũng tuyệt vời! Thịt cá trích thơm ngọt, mát, rất bổ dưỡng, ai dùng qua một lần sẽ nhớ mãi”.

Mùa này du khách đến Phú Quốc thường không quên ra bãi Khem. Rồi đặt mua gỏi cá trích, rau, bánh tráng... và lội tiếp qua mũi Ông Đội và Giếng Ngự, trải bạt, ngồi quây quần dưới bóng cây rừng, ăn gỏi cá trích chấm nước mắm me. Đàn ông biết uống rượu thì “đưa cay” với rượu sim Phú Quốc, đàn bà con nít thưởng thức mùi vị cá trích đến no nê (khỏi ăn cơm). Rồi ngắm nhìn một vùng trời yên biển lặng, xanh thẳm như tranh thủy mạc, còn thú vị nào bằng.

Ông Minh chỉ tay ra biển, nơi lố nhố những thuyền đánh bắt gần bờ neo đậu, nói:

- Nhờ thiên nhiên đãi ngộ con trích, nên chúng tôi có cuộc sống khá, con cái được học hành. Dù mưa nắng, nghề đánh bắt cá trích vẫn đang làm yên lòng ngư dân ở vùng biển Tây Nam.

Nhật Hồng TBKTSG Online, 31/08/2015