Muôn nẻo mưu sinh: Phận má hồng trên chiếc đò ngang
Quanh năm, những bóng hồng đưa đò ở bến Ninh Kiều làm bạn với sông nước, vốn liếng có được chỉ là chiếc xuồng nhỏ và đôi mái chèo. Chắt chiu, gom góp từng đồng bạc lẻ, cuộc đời họ cứ lênh đênh, gập ghềnh theo con nước đưa khách trên sông.
Mưu sinh trên sông nước tuy vất vả, nhưng với nhiều gia đình đây là nghề gia truyền từ hàng chục năm nay.
Đời sông, đời người
Mặt trời vừa nhú là chị Nguyễn Thị Trâm đã chạy được một cuốc đò từ bến Ninh Kiều về chợ nổi Cái Răng. Chị Trâm chia sẻ: “Hôm nay vậy là khá, ít ra cũng đã kiếm được vài chục ngàn, chứ có hôm neo thuyền cả đêm mà không đủ tiền đong gạo”.
Chị Trâm năm nay đã 45 tuổi, ngụ xóm Chài (Hưng Phú, Cái Răng, Cần Thơ), sống bằng nghề đưa đò ngót 20 năm nay. Ngày trước, mẹ chị cũng ròng rã hàng chục năm chạy đò ở bến Ninh Kiều để nuôi 9 miệng ăn trong gia đình. “Nhà nghèo, con cái thất học nên đứa làm hồ, đứa làm ruộng, còn tui thì nối nghề của bà già”, chị Trâm chia sẻ.
Ngày chị theo chồng, tài sản có được là chiếc ghe tam bản. Thế la khúc sông ngang từ bến Ninh Kiều sang xóm Chài trở thành con đường sinh nhai cho gia đình nhỏ của chị.
Rồi đô thị hóa, khúc sông ngang có phà rồi lại có cầu. Khó càng thêm khó, từ đôi chèo tay chị gom góp chạy vạy kiếm được chút tiền mua chiếc máy đuôi tôm để chạy tàu. Ai thuê chở đâu thì chạy đó, đi chợ nổi hoặc đi tận các miệt Trà Ôn, Xuân Hòa, Mỹ Khánh, Cái Trâm, Đại Nghĩa,…không chỉ chở khách mà chị còn nhận cả chở trái cây, hàng hóa,...
Hầu hết những bóng hồng chèo đò ở đây đều có chung hoàn cảnh: gia đình nghèo, đông người, ít học, không đất sản xuất.
Gom góp từng đồng bạc lẻ, cuộc đời họ cứ lênh đênh theo con nước
Cùng một lứa nối nghiệp chèo đò với chị Trâm, chị Thái Thị Thúy (42 tuổi) chia sẻ: “Mấy chục năm nay, hầu hết người dân ở xóm Chài đều sống bằng nghề đưa đò, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng. Hôm nào gặp khách Tây, khách ta “sộp” tham quan chợ nổi Cái Răng, Mỹ Khánh thì kiếm được vài trăm ngàn”.
Theo chị Thúy, hiện còn khoảng 40 hộ sống bằng nghề chèo đò tại đây. Cuộc sống khá chật vật với thu nhập 100.000 – 150.000/ngày. Thế nhưng mỗi người đều phải nuôi 2 – 3 người. Chạy đò để chạy gạo hàng ngày chứ không dư giả. Ghe bể hoặc con cái bị ốm đau là một thảm họa.
Chị Thúy kể: “Năm ngoái, con út nhà tui bị sốt xuất huyết. Nhà không có tiền, tui phải bấm bụng đi vay nóng để chạy chữa cho con”. Câu chuyện của chị bị đứt đoạn bởi có khách muốn qua cồn. Bốn người khách với nhiều đồ đạc khiêng xuống ghe. Chị Thúy ngả người ra phía sau, bơi ngược ghe ra sông, chiếc ghe tròng trành. Đôi tay chị Thúy nổi những đường gân bám chặt đuôi mái chèo. Chiếc ghe tách bến Ninh Kiều một đoạn, chị mới đưa chân đạp cần máy đuôi tôm, một tây giật máy nổ, hướng mũi ghe ra giữa dòng sông Hậu.
Lênh đênh đời thương hồ
Đưa vạt áo thấm giọt mồ hôi, bà Sáu Quẹo (61 tuổi) bùi ngùi: “Đời chèo đò sống trên sông nước là chính, có khi suốt ngày đêm chưa lên được bờ”. Những lúc thấm mệt cô Sáu Quẹo mới về nhà ngã lưng, "không dám nghỉ, vì nghỉ một ngày là không có tiền trang trải”, bà Sáu bùi ngùi.
Nhà bà Sáu Quẹo ngay xóm Chài, ngang bến Ninh Kiều. Đã 61 tuổi, dáng người ốm quắt queo, da sạm đen nhưng dưới tay bà Sáu, chiếc ghe chạy êm ru, không hề giật cục khi “bắt cua” ngay đầu vàm, ra giữa sông lớn hay luồn dưới chân cầu Cần Thơ rồi vòng quanh cồn Ấu - xóm Chài.
Với hơn 2/3 số tuổi cầm chèo nên bao vui buồn nghề sông nước bà “biết ráo trọi”. Thời chiến tranh, bà phụ cha chèo đò. Từ sau giải phóng tới giờ, bà bám trụ trên khúc sông này, đưa đón biết bao lượt du khách.
Mưu sinh trên sông nước tuy vất vả, nhưng với nhiều gia đình đây là nghề gia truyền từ hàng chục năm nay
Những hôm mưa gió, những người chèo đò cùng nhau giăng áo mưa hoặc chui xuống gầm của những lan can được xây chồm ra bờ sông cho du khách hóng mát. Bà Sáu Quẹo cho biết: “Mùa mưa hầu như tụi tui thức trắng, chờ đến tầm 3 – 4 giờ sáng để chở bạn hàng về chợ nổi”. Vào dịp lễ, tết, người đưa đò cũng kiếm được nhiều hơn vì du khách hay đi chơi khuya. Có khách gọi thì bữa cơm gia đình họ cũng khá hơn một chút. Chở bạn hàng bán trái cây, rau quả từ bến Ninh Kiều về chợ nổi cũng kiếm được 30.000 – 40.000 đồng/ chuyến.
Xóm Chài gốc gác toàn dân nghèo tứ xứ, sống chủ yếu bằng nghề đưa đón khách du lịch tham quan sông nước. Nhiều gia đình khó khăn còn phải cho con em của họ mưu sinh phụ giúp gia đình bằng việc bán vé số hay đậu phộng ở bến Ninh Kiều. Hiện tại, dù đã giảm nhiều nhưng cũng còn khoảng 40 hộ hoạt động trên bến Ninh Kiều. Lượng khách đi ghe cũng có phần sụt giảm khi có cây cầu Cần Thơ và do tàu ghe ra vào bến ngày càng nhiều và tình trạng “lộn xộn” ở bến bãi.
Cuộc sống mưu sinh bằng nghề chèo đò lắm gian nan, suốt ngày miệt mài trên sông nước. Đến với nghề chèo đò, những người phụ nữ biết mình sẽ phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy. Tuy vậy, đã là nghề “cha truyền con nối”, những bóng hồng ấy chỉ biết gắn chặt cuộc đời mình với con đò nhỏ tròng trành, cuộc sống của họ cũng gập ghềnh theo sóng nước. Những mảnh đời cần lao vẫn ngày đêm bám lấy bến Ninh Kiều để kiếm sống. Tiếng ghe, thuyền, võ lãi,…vẫn ngược xuôi phành phạch trên sông Hậu.
Bến Ninh Kiều nằm ngay vị trí trung tâm thành phố Cần Thơ, cửa ngõ giao thương, du lịch nhưng cũng là "điểm nóng" với tình trạng móc túi, mua bán lấn chiếm lòng lề đường, chèo kéo khách du lịch, mất an ninh trật tự tại các bến đò, ăn xin quấy nhiễu,…Lãnh đạo TP. Cần Thơ đã phân công từng đơn vị để giải quyết thực trạng này; trong đó có việc lập lại trật tự giao thông đường thủy tại bến Ninh Kiều. Theo đó, các chủ tàu, ghe phải đăng ký với Ban điều hành bến tàu để được sắp xếp tài chuyến hoặc đăng ký tự khai thác, dựa trên những quy định chung.
(còn tiếp)