TIN THỦY SẢN

Mưu sinh vùng sông nước: Nghề đóng đáy sông

Anh Vân đang cố sức kéo lưới đáy. thành lập

Gia đình anh Bảo đã ba đời sống bằng cái nghề này, có từ đời ông và bây giờ là cha và cả ba anh em của anh Bảo cũng vậy. “Nghề này là cái nghề “hạ bạc” rồi anh ơi, bởi “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” mà, sống theo con nước lớn ròng. Nhưng nếu lên bờ thì tụi em sống không được, đã quen rồi với nghề sông nước” - đêm về khuya, anh Bảo tâm sự như vậy.

Chiều, khi nước bắt đầu lớn, tôi điện cho Vân. Vân bảo, nếu đêm nay đi thì khoảng 18 giờ anh lên nhà nhưng tới 2 giờ sáng mới lên bờ được đó. Tôi có mặt và Vân cũng chuẩn bị xong mọi thứ. Chúng tôi cùng xuống ghe bơi ra hàng đáy trên sông Hàm Luông, đoạn thuộc ấp Hòa Trung, xã Sơn Hòa (Châu Thành). Trời đã sụp tối, không nhìn thấy được mặt người. Vân chỉ tay bảo, đèn sáng ở khu vực đó là Nhà máy đường. Từ cầu Hàm Luông qua khỏi khúc eo của nhà máy đường có khoảng 6-7 hàng đáy của bà con các xã: Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc), An Hiệp, Sơn Hòa, Mỹ Thành (Châu Thành), Bình Phú, Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre). Mỗi hàng đáy có từ 10-20 cửa miệng. Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là hai hàng đáy của Sơn Hòa với khoảng gần 40 cửa miệng. Tại hàng đáy này, mấy năm về trước, mỗi hàng đáy có hơn 30 chục cửa miệng. Một phần do Nhà nước giải tỏa, một phần đã “lên bờ” rồi. Vân neo chiếc xuồng nhỏ vào chiếc ghe lớn đã đậu sẵn tại cửa miệng đáy của mình rồi bảo tôi lên ghe lớn: “Đêm qua, em làm biếng chạy ghe lớn vào nên bỏ lại” - Vân nói. Vân cũng lên theo và chuẩn bị thả lưới đáy. “Sao ra muộn vậy”- anh Bảo ở miệng đáy kế bên lên tiếng hỏi. Vừa thả lưới, Vân trả lời như hỏi lại: “Đêm nay, mấy giờ thì vào bờ đây?”. Chậm nhất, chắc cũng 0 giờ. Đêm qua, 23 giờ mới kéo. Ai vậy? Chụp hình làm gì vậy? Có lẽ thấy đèn máy ảnh của tôi chớp liên tục, anh Hoàng kế bên nói như chọc ghẹo với anh Bảo: “Đưa thằng Mập lên mạng đi”. Vân quay sang: “Hay là mày muốn lên không?”.

Anh Vân đang lựa rác và cá chuẩn bị vào bờ.

Hơn 19 giờ, anh Vân, anh Bảo, anh Hoàng, bên kia xa hơn là anh Thành cũng đã thả đáy xong. Vân bơi chiếc xuồng nhỏ rước Bảo qua ghe. Vừa bước lên, anh Bảo nhìn tôi, cười tươi và nói: “Xong rồi, anh nằm nghỉ đi. Chờ đến 0 giờ kéo lưới, 2 giờ về”. Vân nói vào, 2 giờ hay 3 giờ, đêm nay mà đẩy vào hai vạt rác cho mày lựa tới sáng luôn. Vân lấy ra dĩa khô và lạp xưởng chiên sẵn, muối tiêu vắt chanh, chai rượu khoảng hai xị. Vân bảo: “Ngồi nhâm nhi chơi, chờ kéo đáy, anh ơi”. Nhìn theo phía hàng đáy, anh Bảo nói: “Mấy tụi nó cũng xong rồi”. Tôi hỏi, tối đen vậy sao anh thấy? Đâu cần thấy, anh cứ nhìn trên ghe có ánh đèn màu xanh chớp chớp báo hiệu là đã thả đáy rồi đó. Ngồi trong khoang ghe nhưng cứ năm mười phút là Vân bật đèn quan sát cửa miệng đáy, “Đêm nay, chắc ít rác” - Vân nói. Trời càng về khuya, trên sông, gió mỗi lúc thổi càng mạnh, chiếc ghe của Vân cũng lắc lư theo từng đợt sóng, hay khi có tàu lớn đi qua. Vân mặc thêm chiếc áo khoác ngoài vào. Lấy ra hộp cơm, Vân hỏi, anh có ăn cơm không? - Anh ăn rồi, không đói - Tôi trả lời. Anh Bảo cho biết, đáy của mọi người đang làm ở đây là đáy nổi, chỉ đánh được cá phân và tôm ở tầng mặt nước. Đáy chìm thì bắt cá lớn hơn như cá ngác, cá sửu. Bây giờ, đáy chìm không đóng ở con nước này. Còn đáy cọc thì đánh tất cả cá lớn, nhỏ, tôm, cua… bởi miệng đáy lớn, bề dạo sâu tới đất. Làm đáy cọc thì cực và nguy hiểm hơn, bởi việc cài miệng đáy buộc người ta phải lặn sâu dưới nước. Làm nghề đáy này, trong người lúc nào cũng có một con dao nhỏ, rất bén. Khi cài miệng đáy, lỡ khi nước đạp mạnh, bị cuốn vào miệng đáy thì có con dao để rọc miệng đáy chui ra. Tùy theo mùa và con nước, sẽ có cá phèn, cá trèn, hoặc cá linh. Bây giờ, mặn đã xâm nhập sâu, chủ yếu là cá lưỡi trâu, tôm và cá phân. Cũng có khi do lạc dòng nước “trúng mánh” được con cá sửu, cá ngác. Trên đường ra đáy ban chiều, vừa bơi xuồng, Vân cho biết, trước đây ba đêm, anh Bảo trúng được con cá nhám (cá mập) nhỏ, khoảng 5kg, giá bán 80.000 đồng/kg. Nghề đáy nổi này xem ra cũng rất nhàn hạ, một người có thể thả hai, ba miệng đáy, như anh Bảo có tới hai miệng đáy. Đáy nổi, dây nhợ cũng ít hơn, chỉ với ba sợi là dây cài (thả) để kéo khép hai miệng đáy, dây dung (dây thá) để cột đú đáy, dây gượng (dây ví) để đập cho cá xuống đú. Còn với đáy chìm, đáy cọc thì có thêm sợi dây chạo để kéo sợi dây chằng ở dưới đáy lên.

Ba anh em uống hết hai xị rượu, Vân lấy xuồng chở cả ba qua bên ghe anh Thành uống trà. Khi tôi bước lên, trên ghe anh Thành cũng chật kín người. Anh Thành ngồi khép sát một góc nhỏ cạnh cái bếp, nước sôi bốc khói, ly trà nóng, giữa sông, gió thổi lành lạnh, càng về khuya, uống càng thấy ngon hơn. Chúng tôi ngồi bên nhau và nói toàn về chuyện sông nước. Tôi lấy điện thoại ra xem, gần 23 giờ 30 phút. Anh Thành thấy tôi cho chiếc điện thoại vào túi quần sọt, đưa tay khều nhẹ tôi, anh nhắc: “Coi chừng, ở trên bờ rớt còn lượm lại được, chứ ở đây rớt mà nghe cái tủm là xong”. “Bây giờ là 0 giờ, về hết, giải tán mau. Đến giờ linh rồi” - một anh nói như hốt hoảng. Một giọng nói xen vào - chưa đâu? Mày về coi, đáy của mày chảy xuống cầu Hàm Luông rồi - anh kia trả lời. Tất cả đều xuống xuồng, tỏa ra về ghe của mình. Tôi, anh Vân và anh Bảo về đến ghe thì đèn ở các ghe bên cạnh cũng sáng rực, đã bắt đầu giờ kéo đáy.

Anh Hoàng vừa kéo đáy, vừa nói sang chọc anh Bảo, “Có vô con mập nào nữa không”? Có thấy râu huơ huơ chưa? Của tui đỏ trời rồi đó - anh Bảo trả lời. Anh Hoàng: Ừ thì rong nhớt hay bịch mũ đỏ đáy rồi chớ gì? Rác đó! (vì đóng đáy sợ nhất là rác vào miệng, đáy nặng). Vân cũng hì hục kéo. 0 giờ 40 phút, giặt lưới xong, xếp gọn gàng vào khoang ghe. Vân bảo, thôi về nhà lựa kẻo nước lớn về không kịp. Có gì không? - tôi hỏi. Tôm khá hơn - Vân trả lời. So với đêm qua thì sao? - Em thấy cũng vậy thôi, nhưng đêm nay, tôm càng nhiều hơn. Chắc cũng được ký hai. Nước ngày càng xoay, càng có nhiều hơn….

Tôi vào nhà Vân lấy xe ra về, đồng hồ chỉ hơn 2 giờ sáng, vợ Vân cũng trên đường ra bến ghe phụ Vân lựa cá chuẩn bị ra chợ kịp sáng mai. Khi ngồi vào bàn viết bài, tôi cứ nhớ hoài câu nói của Bảo: Nghề hạ bạc mà anh. Sống theo con nước, còn làm còn tiền. Chớ như tụi em bây giờ, đất thì không có, lên bờ biết kiếm gì sống. Bởi vậy mới có câu ca dao: “Chồng chài, vợ lưới, con câu. Thằng rể đóng đáy, con dâu đặt lờ!”.

thành lập báo Đồng Khởi