Mỹ Xuyên khôi phục vùng tôm – lúa bền vững
Huyện Mỹ Xuyên sẽ phấn đấu duy trì vùng tôm – lúa trên 10.000 ha để nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân ở các xã vùng nuôi tôm.
Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Bộ huyện Mỹ Xuyên trong điều kiện nuôi tôm đang gặp khó khăn. Các chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất được triển khai tương đối đồng bộ đối với sản xuất luân canh 1 vụ tôm – 1 vụ lúa của địa phương. Người nuôi tôm ở Mỹ Xuyên đã chứng minh qua thực tiễn về hiệu quả kinh tế đối với việc đưa cây lúa xuống nền ao nuôi tôm, vừa ít tốn chi phí đầu tư, vừa góp phần cải tạo môi trường cho ao nuôi một cách triệt để. Ở đây lúa đặc sản ST5 cho năng suất bình quân trên 700 kg một công, cá biệt nhiều hộ ở Hòa Tú 1 đạt năng suất 1 tấn mỗi công trong vụ vừa qua. Chính vì lợi thế đó mà năm nay nông dân vùng tôm lúa khẩn trương xuống giống để tăng thu nhập. Ông Lê Phát Minh ở ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1 cho biết: “Đối với bản thân tôi và bà con ở Hòa Tú nói chung đều tập trung để phát triển cây lúa trên ao tôm. Mấy năm vừa qua con tôm khó khăn do môi trường nếu làm cây lúa thì vừa ít tốn phân, thuốc vừa cải thiện đất trong ao. Thực tế cho thấy, không còn biện pháp nào làm sạch đáy ao bằng con cây lúa”.
Giống lúa ST5, ST13 rất phù hợp với vùng đất này và đây là điều kiện rất thuận lợi để Mỹ Xuyên quy hoạch vùng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao. Năm nay, vùng tôm lúa của huyện được hỗ trợ 386 tấn giống lúa đặc sản dòng ST từ nguồn vốn của tỉnh và vốn xây dựng nông thôn mới, để nông dân có điều kiện phát huy lợi thế này. Ông Ngô Văn Công, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lời, xã Ngọc Đông cho biết: “Chúng tôi làm nhiều năm nay, bà con trong Hợp tác xã đều thống nhất 2 giống lúa thơm là ST5 và ST 13. Chúng tôi chưa nghe bà con có nhu cầu giống lúa khác”.
Thực tế cho thấy quy trình luân canh tôm – lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, bên cạnh đó bà con còn phát triển được cây màu, luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế khác, như: tôm càng xanh, cá kèo, cua biển và đa dạng giống thủy sản đề phù hợp với vùng đất này. Ông Lương Minh Quyết, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên phải được duy trì từ 10.000 đến 12.000ha nhất là lúa đặc sản. Trong tình hình con tôm nước lợ khó khăn nhưng phải giữ lại công trình vùng này để phát triển con tôm với cây lúa, con tôm sú với con tôm càng xanh. Giữ được quy trình này thì nông dân các xã vùng tôm mới phát triển tốt”.
Huyện Mỹ Xuyên là 1 trong 3 vùng lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao ở Sóc Trăng, thích nghi dòng lúa thơm ST và việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học là một yếu tố rất thuận lợi để giữ cho chất lượng lúa hàng hóa có giá trị cao trên thị trường. Con tôm đang trong tình thế khó khăn thì cây lúa, cây màu được xem là giải pháp cải thiện thu nhập cho nông dân, đây là một lợi thế mà không phải vùng nuôi tôm nước lợ nào cũng có được.