Năm 2015 - Năm khó khăn cho xuất khẩu tôm của Thái Lan
Năm 2015, Thái Lan XK 171,7 nghìn tấn tôm, trị giá 1,7 tỷ USD; tăng 2,7% về khối lượng nhưng giảm 17,6% về giá trị so với năm 2014. Sản lượng tôm Thái Lan giảm do dịch bệnh, thời tiết bất lợi; Thái Lan phải đối mặt với những cáo buộc về vi phạm quy định IUU, nạn buôn người; cộng với giá tôm toàn cầu lao dốc là những nguyên nhân khiến giá trị XK tôm Thái Lan giảm.
Giá XK trung bình tôm của Thái Lan năm 2015 đạt 9,7 USD/kg, giảm 20% so với năm 2014.
Trong top các thị trường NK tôm hàng đầu của Thái Lan, Mỹ đứng ở vị trí số một, chiếm 43,5% tổng giá trị XK tôm của nước này. Nhật Bản đứng thứ hai với 23,7%. Tiếp đó là Canada và Trung Quốc lần lượt chiếm 5% và 4,4%. Việt Nam đứng thứ 6, chiếm 3,6%.
Tôm chế biến không đóng túi kín khí (HS 160521) và tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 2 sản phẩm XK chính của Thái Lan, lần lượt chiếm 46% và 37,4% trong tổng các sản phẩm tôm XK. Sản phẩm tôm mã HS 160521 chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Canada. Sản phẩm mã HS 030617 chủ yếu được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong top 6 thị trường NK chính tôm Thái Lan, XK sang Mỹ, Nhật Bản, Canada lần lượt giảm 14%, 16% và 20%. Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc tăng mạnh 81%; Việt Nam cũng tăng NK tôm từ Thái Lan với 7%.
Khó khăn
Ngành tôm Thái Lan phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh sau khi nước này bị Mỹ liệt vào danh sách các nước có nạn buôn người nghiêm trọng nhất thế giới trong tháng 6/2014. Sự việc này có tác động không nhỏ tới XK tôm của Thái Lan năm 2014 và năm 2015.
XK tôm Thái Lan sang Nhật Bản-thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ hai của Thái Lan-không tăng trưởng là do kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.
XK tôm sang EU (thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Thái Lan) cũng không nằm ngoài xu hướng giảm sau thông tin ngành tôm nước này sử dụng lượng lớn bột cá do các tàu khai thác sử dụng lao động trái phép bị đăng tải trên truyền thông Anh.Bên cạnh đó, tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP từ 2014 nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu đông lạnh cũng bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.
Ngày 14/12/2015, hãng tin AP đã đăng phóng sự điều tra cho thấy, tình trạng bóc lột lao động như nô lệ trong ngành công nghiệp tôm của Thái Lan. Sau thông tin này, các quan chức và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kêu gọi người Mỹ ngưng mua tôm có nguồn gốc từ Thái Lan, trong đó có một công ty con của Tập đoàn Thai Union. Điều này có tác động không nhỏ tới hoạt động chế biến của XK tôm của Thái Lan.
Trước những cáo buộc của các thị trường NK về vi phạm quy định IUU, nạn buôn người, Thái Lan đang tích cực áp dụng các giải pháp để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới.
Đối với vấn đề sử dụng lao động nô lệ, các hội viên của Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan (TFFA) cũng đã quyết định ngừng mua tôm chế biến từ các xưởng lột vỏ tôm bị cáo buộc lạm dụng lao động. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016 nhằm giảm bớt nguy cơ về các vụ vi phạm nhân quyền và sử dụng lao động bất hợp pháp trong chuỗi nguồn cung tôm ở Thái Lan.
Tuy nhiên, những rào cản trên vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức cho ngành tôm Thái Lan trong năm 2016. Đây có thể là cơ hội cho XK tôm Việt Nam giành thị phần tại các thị trường NK trên thế giới.
Năm nay, Việt Nam có thể tăng NK tôm nguyên liệu từ Thái Lan tuy nhiên Việt Nam cũng nên thận trọng về vấn đề xuất xứ khi NK tôm từ nước này.
|