Nam Định: Vụ cá Nam thắng lợi
Vụ cá Nam của ngư dân Nam Định năm 2018 đã thắng lợi lớn với tổng sản lượng khai thác ước đạt 28.751 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khai thác mặn lợ là 27.644 tấn, khai thác nước ngọt là 1.107 tấn.
Ngư trường khai thác chủ yếu là Vịnh Bắc Bộ với đối tượng khai thác chính là các loại cá thu, mực và cá tạp. Sản lượng khai thác biển tiếp tục tăng mạnh, sản lượng khai thác nước ngọt tiếp tục giảm, đúng định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản của tỉnh là tăng cường đánh bắt xa bờ, giảm khai thác thủy sản vùng nội đồng và ven bờ.
Tham gia sản xuất vụ cá Nam năm nay, toàn tỉnh có 2.127 tàu thuyền với tổng công suất là 257.632CV. Trong đó, loại tàu có công suất nhỏ hơn 20CV là 1.243 chiếc, chiếm 58,4%; loại có công suất từ 20CV đến dưới 90CV là 163 chiếc, chiếm 7,7%; loại từ 90CV trở lên là 721 chiếc, chiếm 33,9%. Có 400 tàu, chiếm 18,8%, làm nghề lưới kéo; 1.555 tàu, chiếm 73,1%, làm nghề lưới rê; có 172 tàu, chiếm 8,1%, làm các nghề khai thác khác.
Tính đến thời điểm ngày 15-9-2018, toàn tỉnh đã thành lập được 18 tổ hợp tác khai thác thủy sản với khoảng 364 tàu và 1.500 lao động. Các tổ hợp tác khai thác thủy sản đã phát huy hiệu quả tính hợp tác liên kết khi tham gia sản xuất trên biển, các tàu thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi có tàu gặp tai nạn, rủi ro, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên biển.
Đồng chí Cao Ngọc Ánh, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết: Đến nay, huyện Giao Thủy đã có 25 tổ, đội khai thác thủy sản được thành lập; với 847 phương tiện, trong đó có 348 tàu có công suất máy trên 90CV, 7 tàu vỏ thép đóng theo chương trình Nghị định 67 thường xuyên bám biển khai thác hải sản. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện ước đạt 11.519 tấn, đạt 84,4% kế hoạch và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Từ khi tàu vỏ thép được đưa vào khai thác đã góp phần nâng cao sản lượng thủy sản khai thác của huyện. Đặc biệt có hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ hoạt động khai thác trên biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, vụ cá Nam 2018 của tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế: công tác thu thập dữ liệu khai thác (sản lượng, đối tượng, phân loại) chưa đúng, đủ, kịp thời để đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác cho phép, gây khó khăn cho công tác quản lý nguồn lợi hải sản… Công tác dự báo ngư trường chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của ngư dân. Trang thiết bị thông tin liên lạc tầm xa của nhiều tàu cá còn hạn chế, hầu hết các máy hoạt động kém hiệu quả, chưa được cập nhật đầy đủ các chức năng cần thiết cho công tác giám sát tàu cá. Việc bảo quản sản phẩm trên các tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn làm giảm hiệu quả kinh tế trong khai thác thủy sản. Cơ sở dịch vụ hậu cần còn thiếu và không đồng bộ, chưa có chính sách, cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ tại cảng và bến cá. Cảng cá Ninh Cơ thiếu kinh phí nâng cấp, nạo vét, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào neo đậu. Tình trạng khai thác thủy sản không đúng với khu vực được cấp phép, sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ hơn quy định, đặc biệt dùng xung điện để khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.