Nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và một số giải pháp kỹ thuật quản lý tảo độc trong ao nuôi
Năm 2017, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng ngành tôm Việt Nam đã ghi nhận nhiều triển vọng tươi sáng về kết quả sản xuất, góp phần lớn vào thành tích chung của toàn ngành thủy sản.
Ngày 25/7/2018, tại nhà khách Hùng Vương, phường 1, Tp. Bạc Liêu trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu phối hợp với công ty quốc tế ECO, HTX Xuân Phú tổ chức cuộc hội thảo: ”Nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và một số giải pháp kỹ thuật quản lý tảo độc trong ao nuôi”
Chủ trì cuộc hội thảo là ông Huỳnh Quốc Khởi - giám đốc trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, ông Phan Văn Danh – giám đốc Hợp tác xã Xuân Phú và bà Trương Thị Thanh Thúy – giám đốc Công ty quốc tế ECO. Tham dự cuộc hội thảo có 60 đại biểu, trong đó 54 đại biểu là nông dân của các huyện, Thị xã, Thành phố trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tại hội thảo các đại biểu được nghe báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản và mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, một số giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bền vững của tỉnh Bạc Liêu, tác hại của môi trường trong đó tảo độc trong ao là rất nguy hiểm quyết định đến sự thành công của vụ nuôi và các biện pháp quản lý môi trường.
Theo báo cáo tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu năm 2017 là 138.934 ha, diện tích tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao là 1.384 ha với 852 ao nuôi. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiếm soát cá chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải. Vì vậy tôm nuôi hầu như ít bị bệnh, tỉ lệ thành công cao (85-90%), năng suất cao giao động trong khoảng 25 tấn/ha/3 vụ/năm.
Bênh cạnh những thuận lợi của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao còn tồn tại một số khó khăn. Hệ thống các công trình thủy lợi còn hạn chế, hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm còn yếu (chỉ đủ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu), các hộ dân phải trang bị thêm máy nổ để phục vụ nuôi tôm, giá điện còn cao làm tăng chi phí nuôi tôm của các hộ dân.
Thông qua Hội thảo các đại biểu được tiếp cận với các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp kỹ thuật quản lý môi trường nước hạn chế tảo độc trong ao nuôi, ngoài ra, nông dân còn có cơ hội chia sẽ kinh nghiệm nuôi tôm lẫn nhau và đặt ra một số câu hỏi liên quan đến việc phát triển mô hình tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả và bền vững.