Nâng cấp, hiện đại tàu khai thác cá ngừ
Tại hội nghị về giải pháp tổ chức khai thác, quản lý, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ vừa tổ chức ở Khánh Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo, cần hiện đại hóa đội tàu khai thác nhằm giảm chi phí, đảm bảo lợi ích của ngư dân.
Thiệt vì chất lượng cá thấp
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cá ngừ ở vùng biển nước ta có 9 loài với trữ lượng trên 1,1 triệu tấn/năm, trong đó cá ngừ vằn chiếm trên 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, nghề khai thác cá ngừ đại dương của tập trung ở hai đối tượng chính là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to với trữ lượng khoảng 45.000 tấn/năm, khả năng khai thác mỗi năm khoảng 17.000 tấn.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương tập trung tại 3 tỉnh Nam Trung bộ gồm Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với đội tàu gần 1.200 chiếc, sản lượng khai thác mỗi năm trên 10.000 tấn. Riêng trong năm 2012 do nghề câu tay cá ngừ phát triển mạnh nên đội tàu đã tăng mạnh lên 2.426 tàu, sản lượng cá ngừ 6 tháng đầu năm đạt 11.700 tấn, bằng cả năm 2011.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu tại ngư trường Trường Sa, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giúp hàng vạn ngư dân có thu nhập cao. Sản phẩm cá ngừ đã XK đến 77 quốc gia, riêng 6 tháng đầu năm nay kim ngạch đạt 286 triệu USD. Tuy nhiên chuỗi tổ chức khai thác, bảo quản thu mua chế biến còn quá lạc hậu khiến chất lượng rất thấp.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá VN cho biết: Đội tàu khai thác cá ngừ của VN chủ yếu là vỏ gỗ, trang thiết bị phục vụ bảo quản sản phẩm chưa được chú trọng, nhiều tàu không có máy SX đá vảy và hệ thống làm lạnh; hầm bảo quản chủ yếu là ốp xốp và phủ bạt nên chất lượng kém. Thao tác đưa cá ngừ từ dưới biển lên tàu của ngư dân rất thô sơ gây va chạm vào thành tàu làm dập thịt cá, sơ chế không đúng quy trình...
Chất lượng nước đá cung cấp cho các tàu khai thác cá ngừ cũng rất kém, thời gian làm đông lạnh chỉ từ 8-10 tiếng nên đá bị xốp, nhiệt độ không đảm bảo. Ông Nguyễn Xuân Nam, TGĐ Cty TNHH Hải Vương, DNXK cá ngừ lớn nhất nước cho biết: Nước đá không đủ thời gian, hầm bảo quản không đảm bảo cách nhiệt, tối đa chỉ đạt âm 45 độ C, trong khi đó để chất lượng đủ tiêu chuẩn XK thì cần bảo quản ở mức nhiệt âm 60 độ C, chính vì chất lượng cá không đảm bảo nên giá bán chỉ bằng 2/3 so với cá đạt tiêu chuẩn.
Ông Võ Kến, một ngư dân khai thác cá ngừ tại huyện Hoài Nhơn, Bình Định cho biết: Do cảng không đáp ứng được cho các tàu thuyền cập bến nên chúng tôi phải đậu ngoài xa, mỗi lần bán cá phải vác qua 8-9 tàu khác mới đưa được lên bờ, trong khi đó việc quy hoạch khu vực dịch vụ trong cảng, bến cá không phù hợp, cầu cảng không có mái che, bốc dỡ bằng thủ công... ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Kến, việc thu mua cá ngừ bằng cách này nên ngư dân thiệt hại rất nhiều bởi người mua tự đánh tụt chất lượng cá, giá cá loại 2 không bằng một nửa so với cá loại 1. Chính những bất cập trong thu mua nên ngư dân chọn hình thức bán xô cho nậu vựa.
Cần rà soát, tổ chức lại
Tại hội nghị, các ý kiến của ngư dân, DN và nhà quản lý đều thống nhất muốn nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương thì phải hiện đại đội tàu khai thác, nâng cấp các hầm bảo quản. Theo ông Võ Thiên Lăng thì tàu tốt phục vụ khai thác cá ngừ hiện nay là tàu vỏ kim loại giá thành rất cao (khoảng 10 tỷ đồng/chiếc) nên ngư dân khó có khả năng đầu tư. Nhưng tàu này vận hành tốn nhiên liệu, tuổi thọ thấp, vì vậy hợp lý nhất là đóng tàu vỏ compusit giá thấp hơn và tuổi thọ cao hơn.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng nghề khai thác cá ngừ đại dương còn nhiều bất cập, do vậy phải tổ chức lại để nghề này phát triển bền vững. Đối tượng đánh bắt trong thời gian tới là cá ngừ vây vằn vì tiềm năng loài này rất lớn. Sản phẩm cá ngừ của nước ta gồm cá ngừ tươi, đông lạnh tùy thuộc thị trường, tuy nhiên sản phẩm chủ lực là cá ngừ đông lạnh bởi nó phù hợp với SX nhỏ, đồng thời có nhiều thị trường lựa chọn, còn cá ngừ ăn tươi chỉ có thị trường Nhật và Mỹ ưa chuộng.
Thứ trưởng yêu cầu các ngành chức năng phải bám sát ngư dân, xuất phát từ thực tiễn đưa ra phương pháp đánh bắt hiệu quả nhất. Đối với tàu và vỏ tàu khai thác cá ngừ thì phải lắng nghe ngư dân, thí điểm đóng tàu trên nhiều vật liệu khác nhau để tìm ra vật liệu đóng tàu tốt nhất. Tuy nhiên đóng tàu nào là quyền quyết định của ngư dân bởi họ bỏ tiền ra làm.
"Chúng ta phải đa dạng hóa mô hình khai cá ngừ như các Nghiệp đoàn nghề cá đã làm, mô hình tổ đội SX, tàu mẹ - tàu con... có sự kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần; phải kết nối được tàu khai thác với DN thu mua chế biến, tiêu thụ bởi hiện nay ngư dân chủ yếu tiêu thụ thông qua nậu vựa…", Thứ trưởng chỉ đạo.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám:
Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với 3 tỉnh khu vực Nam Trung bộ đề xuất thí điểm đóng 30 tàu cá hiện đại, thiết kế vỏ tàu bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, tương thích với từng loại nghề đánh bắt. Tuy nhiên, trong khi đợi triển khai đề án thí điểm, trước mắt chúng ta phải nâng cấp đội tàu gỗ đánh bắt cá ngừ của ngư dân.