Ngành cá tra cần vốn
Nông dân nuôi cá tra đang lao đao, vì cá thu hoạch khó tiêu thụ, giá bán rớt từng ngày, trong khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu vốn, không chủ động thu mua nguyên liệu, dẫn đến thua lỗ, sức cùng lực kiệt không thể tự đứng dậy được nữa.
Ghi nhận tại cuộc hội thảo mới đây do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành thủy sản cùng đồng lòng, để vực dậy ngành cá tra, cần có sự chung sức từ phía các ngân hàng, phải thúc đẩy liên kết dọc giữa nông dân nuôi cá, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, doanh nghiệp chế biến cá tra và xuất khẩu.
Ngành sản xuất cá tra nước ta trong những năm qua đã có bước tiến mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt trên 10%. Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2001 trở về trước, cá tra nuôi chủ yếu trong lồng bè với sản lượng thu hoạch chỉ 130.000 tấn, nhưng đã nhảy vọt lên 800.000 tấn vào năm 2006 và đến năm 2011 đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn.
Độc chiếm thế giới, nhưng thiếu bền vững
So với cách đây 10 năm, khối lượng cá tra xuất khẩu đã tăng gấp 40 lần và kim ngạch tăng 45 lần. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010 nước ta xuất khẩu 659.397 tấn cá tra, thu về 1,427 tỷ USD. Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,865 tỷ USD.
Số lượng, quy mô nhà máy chế biến cá tra liên tục tăng. Nếu như năm 2000 chỉ có 15 nhà máy chế biến cá tra với tổng công suất 77.880 tấn/năm, thì đến năm 2011 đã có 291 nhà máy tham gia chế biến mặt hàng cá tra với tổng công suất thiết kế trên 2 triệu tấn/năm.
Chỉ với 6.000 ha nuôi, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra hiện chiếm 34,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và đóng góp khoảng hơn 2% GDP của cả nước.
Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra hàng đầu, chiếm trên 95% sản phẩm cá tra tiêu thụ của cả thế giới, thị trường xuất khẩu mở rộng tới 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ tạo ra kim ngạch lớn, các doanh nghiệp chế biến cá tra còn tạo việc làm cho 50 vạn lao động, chưa kể các hộ nuôi cá để cung cấp nguyên liệu.
Mặc dù trải qua 10 năm phát triển mạnh, nhưng đến nay, cá tra được xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới dạng phi lê cấp đông đơn thuần (đông block và đông rời). Kim ngạch xuất khẩu cá tra hiện chưa tương xứng với tiềm năng, bởi xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chưa qua chế biến sâu, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, cá tra Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, việc xuất khẩu chưa đến được tay nhà phân phối mà vẫn chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu trung gian. Hiện chỉ có một số ít nhà máy đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất các mặt hàng chế biến đã được đa dạng hóa, như: chả cá, tẩm bột, cắt khoanh, muối sả, cắt khúc, sandwich…
Các doanh nghiệp cạnh tranh về giá thiếu lành mạnh dẫn tới giá xuất khẩu cá tra giảm. Các nhà nhập khẩu nước ngoài nắm bắt được tình hình này nên không ngừng ép giá đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cho rằng, cá tra là ngành hàng mà Việt Nam gần như luôn độc chiếm thị trường thế giới từ trước tới nay, thế nhưng Mỹ và châu Âu thường xuyên dọa kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá. Thực chất, cá tra Việt Nam không có được sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng vì doanh nghiệp đua nhau giảm giá bán dẫn đến hậu quả này.
Hiện nay, giá cá tra xuất khẩu bình quân chỉ còn 1,8 USD/kg, trong khi 3 năm trở về trước có giá trên 2,8 USD/kg. Từ năm 2011 đến nay, các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng nên nguồn vốn cho việc sản xuất và xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra bị thua lỗ, một số doanh nghiệp đã phá sản.
Đặc biệt, sự kiện Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bình An vỡ nợ hồi đầu năm đã khiến các ngân hàng thương mại càng e dè không muốn cho các doanh nghiệp ngành thủy sản vay vốn. Nông dân thì không dám bán cá chịu cho các nhà máy chế biến vì lo bị “quịt nợ”, khiến chuỗi liên kết giữa người cung cấp thức ăn - người nuôi cá - doanh nghiệp chế biến cá bị phá vỡ nghiêm trọng.
Chỗ dựa về vốn cho doanh nghiệp ngành cá tra
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 với mục tiêu chung đưa cá tra thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sản lượng cá nguyên liệu đạt 2 triệu tấn (sản phẩm xuất khẩu 900 nghìn tấn), giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, tạo việc làm cho 25 vạn lao động.
Tính đến nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với đặc thù là ngân hàng của Nhà nước và là công cụ của Chính phủ, đã cho vay 1.095 tỷ đồng để xây dựng 23 nhà máy chế biến cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát hành 48 chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh xuất khẩu cá tra. Từ năm 2008 đến nay, VDB thường xuyên tham gia hỗ trợ vốn trên 30% kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước.
Năm 2008 khi giá cá tra nguyên liệu sụt giảm mạnh, VDB đã tăng giải ngân cho các doanh nghiệp thu mua cá nguyên liệu quá cỡ trong dân để duy trì vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2009-2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng, nhưng VDB vẫn duy trì và đảm bảo vốn giải ngân cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chính sách cấp bách đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn số 5294 ngày 20/8/2012 chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra.
Các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất. VDB với đặc thù là ngân hàng của Chính phủ, không phải là ngân hàng thương mại nên không không thể thực hiện theo công văn trên, nên khó tham gia đầy đủ chuỗi sản xuất của ngành cá tra.
Tính đến nay, VDB đã cho vay 1.095 tỷ đồng để xây dựng 23 nhà máy chế biến cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh đã gửi công văn trình lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xem xét cho VDB tham gia cùng với 5 ngân hàng thương mại Nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra.
An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước, hầu hết các doanh nghiệp cá tra của tỉnh đã và đang sử dụng nguồn vốn vay VDB. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2012 của An Giang vẫn đạt 566 triệu USD với kim ngạch xuất thủy sản (trong đó chủ yếu là cá tra) đạt 255 triệu USD chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đóng góp đáng kể vào tổng nguồn thu thuế 4.200 tỷ đồng của tỉnh.
Theo UBND tỉnh An Giang, VDB hiện là ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất đối với ngành thủy sản ở An Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vì vậy nếu không đưa VDB vào nhóm các ngân hàng cho vay phát triển ngành cá tra theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách cấp bách đối với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thì sẽ là một thiệt thòi lớn đối với ngành cá tra.
Trước những khó khăn của ngành cá tra, đặc biệt là việc thiếu vốn nên nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí có nguy cơ phá sản, nhiều hộ nuôi cá “treo ao”, VDB đã có văn bản báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để hỗ trợ cho ngành cá tra trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Ngân hàng này khẳng định, thời gian tới, trong phạm vi khả năng của mình, sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp cá tra theo chính sách tam nông của Đảng và chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ; tiếp tục phối hợp với VASEP tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cá tra xuất khẩu.