Ngành Thủy sản tổng kết công tác năm 2015
Ngành thủy sản cần tạo chuyển biến để nâng cao giá trị sản xuất. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cao Đức Phát tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Thủy sản ngày 25/12/2015, tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản,năm 2015 là một năm khó khăn của ngành nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản. Đó là bất lợi chính từ thời tiết và thị trường. Nhưng ngành thủy sản vẫn đạt được những kết quả khả quan trên nhiều phương diện. Với tổng sản lượng thủy sản hơn 6,56 triệu tấn; trong đó, khai thác 3,03triệu tấn, nuôi trồng 3,53 triệu tấn; diện tích nuôi trồng là 1,28 triệu ha; kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,72 tỷ USD.
Về nuôi trồng thủy sản, trong năm 2015, tuy tình hình thời tiết không thực sự thuận lợi nhưng các địa phương vẫn duy trì được mức tăng diện tích và sản lượng so với cùng kỳ. Nuôi trồng các mặt hàng thủy sản truyền thống phục vụ nhu cầu trong nước tăng ổn định. Tuy nhiên, do các mặt hàng thủy sản xuất khẩu giảm, nên tổng sản lượng nuôi trồng cả nước cũng không tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, rô phi, nhuyễn thể đều gặp khó khăn, người nuôi phải đối mặt với khó khăn kép do thời tiết biến đổi thất thường và giá cả thị trường tiêu thụ giảm sút.
Cụ thể, trên lĩnh vực tôm, ước diện tích nuôi tôm nước lợ cả năm 2015 đạt 691,8 nghìn ha, giảm 2,3% so năm 2014; sản lượng 596 nghìn tấn, thấp hơn 9,5% so năm trước. Tình hình dịch bệnh trên tôm giảm 50% so năm ngoái; Về cá tra, trở ngại lớn nhất trong năm qua là giá cá tra nguyên liệu không ổn định, có xu hướng giảm khi vào chính vụ; trong khi nguyên liệu đầu vào tăng cao; ước diện tích cá tra cả năm khoảng 5.000 ha, sản lượng 1,22 triệu tấn (bằng 98% về diện tích và tăng 6,7% về sản lượng so năm 2014).
Về tình hình khai thác thủy sản, đại diện Vụ Khai thác thủy sản cho biết, năm 2015 số tàu khai thác xa bờ tăng và khai thác gần bờ giảm; kế hoạch cho năm tới cần quản lý khai thác xa bờ theo hạn ngạch (số lượng tàu đóng mới và ngành nghề); hạn chế dần những nghề khai thác hiệu quả thấp, phát triển nghề khai thác có giá trị cao. Tại vùng biển miền Trung từ Quảng Trị tới Ninh Thuận, nghề khai thác xa bờ, trong đó có nghề lưới vây đạt hiệu quả cao, ngư dân khai thác được nhiều loại hải sản như cá hố, cá trích, cá ngừ sọc dưa… Tại các vùng biển thuộc Vịnh Bắc bộ, các loại cá nổi xuất hiện nhiều và dài ngày như cá cơm, cá nục, cá bạc má…tạo điều kiện cho ngư dân làm các nghề vây, chụp, rê… khai thác có hiệu quả, thường xuyên bám biển.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu trong khai thác hải sản với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, ưu tiên phát triển đội tàu xa bờ. Cùng với các chính sách đang triển khai có hiệu quả, các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn ngư dân trong việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 và Nghị định 89/2015/NĐ- sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đề án tái cơ cấu ngành, đề án tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi. Ngoài ra, việc giá dầu giảm và giá bán một số loài ổn định đã tác động tích cực tới hoạt động khai thác của ngư dân, sản lượng khai thác cả năm 2015 tăng so với cùng kỳ.
Tại một số địa phương, sản lượng khai thác thủy sản cả năm đạt khá, trong đó Quảng Ninh ước đạt 57.120 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ, Hải Phòng đạt 56.600 tấn bằng 103% kế hoạch năm, Hà Tĩnh đạt 35.490 tấn, tăng 12,1%, Quảng Trị đạt 23.000 tấn, tăng 17,9%, Khánh Hòa đạ 91.630 tấn, Bình Định đạt 199.231 tấn, tăng 0,8%, Phú Yên đạt 54.000 tấn, tăng 10,2%, Bình Thuận đạt 198.312 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ. Tại Cà Mau, sản lượng khai thác đạt 193.563 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ, Bạc Liêu đạt 106.916 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ, Tiền Giang đạt 97.777 tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu, năm 2015 không khởi sắc như năm 2014 do chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài. Trong năm, kinh tế thế giới tăng trưởng nhẹ, giá dầu thế giới giảm, nhu cầu tiêu dùng nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng đã tăng trở lại nhưng vẫn còn ở mức thấp. Các nước sản xuất tôm đã khôi phục lại sản xuất sau giai đoạn bị dịch bệnh, tạo sức cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm tôm của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra tại thị trường Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực hơn, thậm chí kết quả rà soát POR10 còn cao hơn giai đoạn trước. Yêu cầu về giới hạn hàm lượng các chất cấm ở một số thị trường ngày càng khắt khe. Trong năm, nhiều nước chủ động giảm giá đồng nội tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Các yếu tố trên đã dẫn tới mức suy giảm mạnh của xuất khẩu thủy sản.
Tính đến nửa đầu tháng 11/2015, giá trị xuất khẩu của 3 sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,59 tỷ USD, giảm 26,2%, xuất khẩu cá tra đạt 1,37 tỷ USD, giảm 10,3% và xuất khẩu cá ngừ đạt 408,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu 3 sản phẩm chính giảm sút kéo theo tổng giá trị xuất khẩu giảm trên 14% so với cùng kỳ năm 2014. Khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất trong nước cao khiến sản phẩm xuất khẩu thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh. Trong năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm khoảng 14,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2015 là một năm khó khăn chung của ngành nông nghiệp và PTNT, trong đó có thủy sản, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El-Nino, tác động của thị trưởng thủy sản thế giới và nguồn lực nội tại của ngành. Tuy vậy, Tổng cục Thủy sản đã cùng toàn ngành bám sát các chủ trương lớn của Chính phủ và thực tiễn sản xuất đề kịp thời có phương hướng, giải pháp cụ thể phù hợp để duy trì được nhịp độ tăng trưởng, mặc dù thấp hơn năm 2014. Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục và ngành thủy sản trong năm 2015, góp phần vào kết quả của chung của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển trong thời gian qua vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản trên thị trường vẫn chưa cao. Năm 2016 tiếp tục là năm còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục, chính sách điều chỉnh tỷ giá tiền tệ của nhiều nước đã tác động tới giá cả sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, Tổng cục phải có giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, trong đó cần tạo chuyển biến mạnh trong chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Về khai thác thủy sản, khẩn trương có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề với những biện pháp có tính khả thi cao. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN và tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Tiếp tục triển khai đề án thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiệm vụ thời gian tới, cần điều chỉnh lại quy hoạch trong khai thác và nuôi trồng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh. Về nuôi trồng thủy sản, cần chú trọng chuyển giao công nghệ, tổ chức và hướng dẫn người nuôi áp dụng công nghệ mới. Rà soát kết quả ứng dụng VietGAP, tổng kết các mô hình hiệu quả để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo, Tổng cục Thủy sản cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng hệ thống pháp lý để giám sát thực hiện các mục tiêu đặt ra thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực để người dân chủ động tham gia thực hiện. Tăng cường công tác quản lý ngành trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn được xây dựng và ban hành. Có các chính sách phù hợp để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHCN trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cần tổ chức lại công tác thành tra chuyên ngành thủy sản để nâng cao khả năng kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển và nuôi trồng thủy sản.