Ngành thủy sản Việt Nam nắm bắt cơ hội từ hội nhập
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng và năng lực cạnh tranh cao trong ngành thủy sản. Điều này được thể hiện khi Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phát triển.
Để có thể nắm bắt được những cơ hội này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
- Ước tính năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc kỷ lục mới 6,8 tỷ USD. Theo VASEP, thành công này có được chủ yếu là nhờ sự tăng đột biến của mặt hàng tôm xuất khẩu. Vậy theo ông, yếu tố nào đã mang lại thành công này cho ngành thủy sản nói chung và ngành hàng tôm chế biến nói riêng?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Có thể nói năm nay, mặt hàng tôm xuất khẩu mang lại tốc độ tăng trưởng cao gần 40%, trong khi các mặt hàng khác chững lại hoặc không tăng, thậm chí sụt giảm.
Thời gian qua, dịch bệnh trên tôm xảy ở một số nước trên thế giới trong đó có Việt Nam trong khi nhu cầu trên thế giới lại tăng cao nên giá tôm đã tăng lên.
Việt Nam đang phát triển hai mặt hàng là tôm sú và tôm chân trắng. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục duy trì thế mạnh này để có sự phát triển bền vững.
- Tuy giữ được đà tăng trưởng tốt, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn ở khâu đầu vào do nguồn nguyên liệu thường không ổn định. Hiện nay, riêng đối với mặt hàng tôm, một phần lớn tôm nguyên liệu hiện đang “chảy” sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch dẫn đến thiếu nguyên liệu chế biến tôm trong nước và khó kiểm soát sản phẩm mang tên “tôm Việt Nam.” Xin ông cho biết, các bộ, ngành và VASEP đã có những giải pháp gì nhằm giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Đây là một vấn đề đã đặt ra trong những năm qua và trong nhiều năm tới. Trước hết phải công nhận rằng, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam.
Với sức mua lớn và nhu cầu ngày càng cao, Trung Quốc đã mua nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có thủy sản.
Năm 2013, nhu cầu của các thị trường trên thế giới tăng lên rất mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Trong các mặt hàng thủy sản mua từ Việt Nam có đến 70% sản lượng là tôm.
Khi thấy sự gia tăng mua quá mạnh từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là mua các mặt hàng nguyên liệu tươi mà không phải là các mặt hàng đã qua chế biến, mặt hàng giá trị gia tăng, VASEP đã báo cáo kịp thời đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nthôn, Bộ Công Thương để mặt hàng thủy sản có thể xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng nhiều hơn sang Trung Quốc thay vì thời gian qua có tới 96% là các mặt hàng thô.
Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn, VASEP đã thực thi một số hoạt động xúc tiến thương mại tiến tới xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng thủy sản sang thị trường này.
- Ông đánh giá thế nào về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngành thủy sản? Hiệp định FTA Việt Nam-châu Âu có giúp Việt Nam tháo gỡ được những rào cản khi thâm nhập vào thị trường châu Âu hay không?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Thủy sản là một trong những nhóm hàng có giao dịch thương mại lớn trong khối nước thuộc TPP, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ. Hiệp định mang lại lợi ích cho cả hai bên chứ không chỉ cho riêng Việt Nam.
Về ngành, riêng về lĩnh vực thuế, khi đã điều chỉnh xuống 0% sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh riêng. Nhìn một cách bình diện, hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang có nhu cầu tiêu thụ cao ở các nước này mà thuế cũng không phải là cao nên khi chuyển xuống 0% thì cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp chiếm lĩnh cơ hội đó như thế nào phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh.
Chúng ta cần có sự hội nhập, sự chuẩn bị sâu hơn nữa trong sản xuất về hàng hóa, chất lượng, sản lượng ổn định để có thể lĩnh hội được cơ hội này tốt hơn.
Thị trường châu Âu có một số quy định theo nhiều chuyên gia có thể gọi đó là các rào cản. Nhìn một cách khách quan nhất, đó như một sân chơi. Khi hội nhập, chúng ta không phải đánh đổi mà trước hết chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của một sân chơi. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị năng lực, đó có thể gọi là năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu.
Chúng tôi có tham gia một số phiên làm việc trong quá trình chuẩn bị đàm phán FTA và thấy rằng với mức thuế trung bình khoảng 7-10%, thủy sản đang là một trong nhóm 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Âu có cơ hội khá rõ tại đây với mỗi năm xuất khẩu khoảng hơn 1 tỷ USD. Đây là cơ hội cho cả hai phía.
Với cơ hội FTA đặt ra, chúng ta phải chiếm lĩnh cơ hội. Muốn làm được thì tiêu chí chất lượng hàng hóa đối với châu Âu là số một. Chất lượng hàng hóa phải kiểm soát theo chuỗi mà chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị sau WTO như Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, các quyết định, thông tư.... đảm bảo rằng Việt Nam có đủ năng lực cung cấp hàng cho châu Âu.
- Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… những quốc gia nào hiện đang là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam? Ngành thủy sản và VASEP sẽ có những chiến lược cụ thể nào trong năm 2014 để thủy sản Việt Nam vươn ra thế giới?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Về phía Nhà nước, đã có những đề án, chương trình thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 cho các lĩnh vực từ quy hoạch, chế biến, xuất khẩu, thị trường. Đây là khung cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý thực thi để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Về phía VASEP, Việt Nam hiện xuất khẩu thủy sản tới hơn 150 thị trường, trong đó có những thị trường chủ lực. Từ năm 2013, VASEP nhận thấy rằng, Trung Quốc là một thị trường nổi lên mạnh, đứng vị trí thứ 3 (tính theo các thị trường đơn lẻ nhập khẩu).
Ngoài ra, còn có các thị trường khác như Ấn Độ, bên cạnh nhu cầu nhập khẩu họ có năng lực sản xuất nguyên liệu rất lớn.
Ngoài ra, còn một số thị trường lớn ở Nam Mỹ, khu vực Trung Đông hay cộng đồng Hồi giáo có sức mua lớn, đó là những thị trường trong thời gian tới sẽ được VASEP tập trung.
- Xin cảm ơn ông!