TIN THỦY SẢN

Ngao "đói" cát biển, Thái Bình tìm giải pháp tháo gỡ

Nhu cầu cát biển để phục vụ cải tạo đầm, bãi nuôi ngao ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) đang bức thiết hơn bao giờ hết. Ảnh: T.D Trung Du

Gần 2 tháng qua, do chủ trương của các cấp, ngành về việc tạm dừng hoạt động các phương tiện tàu thuyền ra khu vực cồn Thủ hút, lấy cát chở về đất liền, hàng ngàn hecta nuôi trồng ngao ở các xã Đông Minh, Nam Cường và Nam Thịnh của huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) bao gồm cả diện tích ươm ngao giống ở vùng đầm phía trong đê biển và vùng nuôi ngao thương phẩm bên ngoài đê bị ảnh hưởng nặng nề, gây tổn hại lớn về kinh tế.

Theo người dân, với đặc tính của con ngao, nếu không có nguồn cát bổ sung kịp thời, ngao sẽ bị chết hàng loạt hoặc chậm phát triển, còi cọc, lâu được thu hoạch và giá trị dinh dưỡng, kinh tế cũng không được đảm bảo.

Liên quan hoạt động nuôi trồng ngao của người dân ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) bị ảnh hưởng vì không có nguồn cát mặn phục vụ cải tạo đầm, bãi, mới đây, UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản lấy ý kiến tham mưu của các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan - nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho vấn đề này.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Chỉ huy BĐBP (BCH BĐBP) tỉnh Thái Bình, tại khu vực biên giới biển huyện Tiền Hải, số hộ nuôi trồng thủy sản nhiều, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn (bãi triều nuôi ngao: 650 hộ/966 chòi bãi với diện tích 1.732,1 ha; đầm trong đê: 652hộ/676 đầm/398,8 ha; đầm ngoài đê: 331hộ/331 đầm/1.811,1 ha).

Do bãi triều biển huyện Tiền Hải thường xuyên lắng đọng phù sa, tạo lớp bùn đất, ảnh hưởng xấu đến việc nuôi thả ngao tại các bãi triều; mặt khác, việc ươm nuôi ngao giống, tôm thẻ chân trắng trên cát phải sử dụng cát biển cải tạo đầm bãi, tạo môi trường cho ngao, tôm sinh trưởng, phát triển. Nhu cầu sử dụng cát biển với khối lượng tính toán trung bình khoảng 500 m3/1 ha/1 năm.

Ở huyện Tiền Hải từ trước tới nay có một số phương tiện hoạt động bơm, hút cát để cải tạo bãi nuôi ngao tại khu vực bãi triều xã Nam Thịnh và một số bãi triều ở địa bàn lân cận.

Các phương tiện này hầu hết đều là tàu vỏ sắt nhỏ, dung tích 30 - 40m3, được mua và cải hoán từ trước, không có giấy phép khai thác, không có đăng ký đăng kiểm, không đảm bảo các trang thiết bị an toàn hàng hải...

Hằng năm theo mùa vụ, các hộ nuôi trồng thủy sản đều xin phép chính quyền địa phương cấp xã bơm, hút cát để cải tạo đầm bãi, nhưng khu vực biên giới biển huyện Tiền Hải chưa có mỏ cát biển được cấp phép khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Thời gian gần đây, BCH BĐBP tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa Lân tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển huyện Tiền Hải, kiên quyết không cho các phương tiện xuất bến khi không đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định.

Việc quản lý chặt chẽ hoạt động này đã làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình, dẫn đến các hộ có đơn thư kiến nghị kéo dài.

Từ thực tiễn đó, BCH BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Cửa Lân, UBND huyện Tiền Hải đã đề xuất UBND tỉnh Thái Bình về lâu dài giao sở, ngành xây dựng, trình quy hoạch mỏ cát biển tập trung, chuyên phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản tại khu vực nói trên; trước mắt có giải pháp tình thế như quy hoạch tạm thời điểm được phép khai thác cát mặn phục vụ cải tạo đầm, bãi, tổ chức tập huấn, hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho các chủ phương tiện bơm, hút cát theo đúng quy định của pháp luật...

Trung Du Báo Lao Động