Nghệ An: Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng to lớn trên trong những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách tác động mãnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế thủy sản trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Nghệ An có tổng diện tích mặt nước sử dụng để nuôi trồng thủy sản là 23.610 ha trong đó diện tích nuôi ngọt chiếm 21.000 ha (số liệu thống kê 2014). Có nhiều sông, hồ đập lớn phân bố khá đều, với khoảng 530 km của dòng sông Lam, trên 1.250 hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ, trong đó 948 hồ chứa với diện tích khoảng 18.513,44 ha có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản, đây là tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản mặt nước lớn và cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Nguồn nước ở các sông, hồ chứa dồi dào, trong sạch, chưa bị ô nhiễm đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản. Có thể nói, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng to lớn trên trong những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách tác động mãnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế thủy sản trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Các chính sách đã góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản có những bước tiến khá trên tất cả các lĩnh vực, các chính sách đó là: Hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới cho các cơ sở sản xuất giống; Chương trình quỹ gen giống gốc, nâng cấp đàn cá bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống; Quy hoạch các vùng nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Du nhập nuôi thử nghiệm các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế cao; Chương trình trợ giá, trợ cước cá giống cho bà con các huyện miền núi; Nhiều chương trình dự án, đề tài khoa học công nghệ đã được triển khai thực hiện… nhằm thúc đẩy nên kinh tế thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nước ngọt nói riêng phát triển.
Với lợi thế về diện tích và sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, của ngành, trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực, mức tăng trưởng đạt khá, sản lượng nuôi trồng năm sau cao hơn năm trước (sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2012 là 40.000 tấn, 2013 là 42.125 tấn và năm 2014 là 44.443 tấn). Nhiều hình thức nuôi, đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào nuôi thử nghiệm, nghiên cứu sản xuất giống ở Nghệ An như: cá Chình hoa, cá Lăng chấm, cá Chiên, cá Rô đầu vuông, cá Lóc đen… Nhiều quy trình công nghệ đã được làm chủ, xây dựng và hoàn thiện để phù hợp với điều kiện Nghệ An.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Nghệ An đang còn nhiều bất cấp, mức độ tăng trưởng chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển của ngành, đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu vẫn là các loài nuôi truyền thống, năng suất, sản lượng nuôi còn thấp trên một đơn vị diện tích nuôi, hiệu quả kinh tế thấp, nên chưa kích thích được người dân đầu tư, triển khai trên quy mô lớn. Các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao đưa vào nuôi trên địa bàn chưa có sức lan tỏa, chưa được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt hiện nay, ngoài đối tượng cá Rô phi ra chưa tìm được một đối tượng nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Nhìn chung, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Nghệ An hiện tại đối tượng nuôi vẫn là các đối tượng cá truyền thống, quy mô nhỏ lẽ, chưa sản xuất tạo ra được hàng hóa, đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có bởi các nguyên nhân sau:
1. Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản nước ngọt còn nhiều bất cập, chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
Trong những năm gần đây, công tác quản lý giống thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần cho sự thành công của người nuôi, đặc biết là với con giống mặn lợ. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng giống thủy sản nước ngọt chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng con giống ngày càng có xu hướng đi xuống gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả của vụ nuôi.
Nguyên nhân do chất lượng đàn cá bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo,trong sản xuất còn có sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chạy đua về mùa vụ, cho đẻ không đúng chu kỳ sinh học của các đối tượng dẫn đến để non, đẻ ép làm chất lượng con giống sản xuất ra không đảm bảo, năng suất bột thấp; Đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở các cơ sở sản xuất thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất, chất lượng con giống làm ra chưa được kiểm soát trước khi cung ứng đến người nuôi. Chưa có các cơ chế kiểm soát, quản lý trong công tác sản xuất, ương nuôi và cung ứng con giống nước ngọt.
Bên cạnh đó, nguồn giống của các tư thương ở các tỉnh khác bằng nhiều con đường đã xâm nhập vào địa bàn Nghệ An, chất lượng con giống hoàn toàn không được kiểm tra, kiểm soát, cạnh tranh không lành mạnh với các cơ sở sản xuất, cung ứng giống trong tỉnh.
2. Thị trường cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt còn gặp nhiều khó khăn.
Đây được xem là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến phát triển phong trào nuôi, đến tăng trưởng kinh tế thủy sản mảng nước ngọt. Hiện nay, sản phẩm thủy sản nước ngọt hàng năm của Nghệ An dao động từ 42.000 - 45.000 tấn chủ yếu được tiêu thụ nội địa do các tư thương nhỏ lẻ trong tỉnh làm đầu mối tiêu thụ nên sản lượng tiêu thụ hàng ngày thấp, giá bán thấp, thậm chí có thời điểm người nuôi còn bị ép giá, làm giá gây thiệt hại cho người nuôi. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều tư thương còn đưa cá thương phẩm các loại từ các tỉnh, thành phía Bắc về với giá bán thấp hơn giá thành nuôi thực tế tại Nghệ An làm cho sản phẩm làm ra bán chậm, thậm chí không bán được và gây thua lỗ cho người nuôi.
Sản phẩm các đối tượng đặc sản, có giá trị kinh tế cao nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh thấp, trong khi đó vận chuyển đi các thành phố lớn tiệu thụ không cạnh tranh được giá do chi phí vận chuyển lớn. Vì vậy, nhiều đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao đua vào nuôi thử nghiệm ở Nghệ An thành công, so sánh giữa giá thành và giá mặ bằng chung ở các tỉnh cho hiệu quả thực sự, có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, không đưa vào triển khai đại trà được, người dân không hào hứng nuôi do thị trường tiệu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng đua vào nuôi được 1 - 2 năm đầu sau đó phát triển tự phát quá mức, thiếu định hướng, thiếu quy hoạch dẫn đến cung vượt quá cầu, sản phẩm làm ra dư thừa không có thị trường tiêu thụ dẫn đến thua lỗ, làm cho phong trào nuôi thất bại.
Một buổi hội thảo đầu bờ tại Trung tâm giống Thủy sản Nghệ An
GIẢI PHÁP
Từ những thực trạng trên, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên góp phần phát triển kinh tế thủy sản tỉnh nhà của thể như sau:
1. Đối với công tác quản lý giống thủy sản nước ngọt
- Tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò trong việc triển khai thực hiện chương trình quỹ gen, giống gốc nhằm thực hiện nhiệm vụ bổ sung, thay thế, nâng cấp đàn cá bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống trên toàn tỉnh, đồng thời triển khai tìm kiếm, nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng cá bản địa có giá trị kinh tế nhằm tìm ra một số đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặt khác góp phần bảo tồn quỹ gen các đối tượng cá bản địa đang có nguy cơ tuyệt chủng.
- Tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các đàn cá bố mẹ ở các cơ sở sản xuất giống, kiên quyết loại thải, không cho sản xuất giống đối với các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn, các đàn cá bố mẹ không đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng con giống, đảm bảo cho người nuôi.
- Rà soát lại năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các cơ sở sản xuất. Nhất thiết các cơ sở sản xuất giống cấp I phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, có kinh nghiệm để là chủ các quy trình sản xuất. Có cơ chế, chính sách để tiếp nhận, đạo tạo cán bộ kỹ thuật cho các cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhằm đảm bảo cho sản xuất, quản lý chất lượng con giống.
- Đối với công tác cung ứng cá giống hỗ trợ các chương trình, hỗ trợ bà con miền núi hàng năm cần được giao cho các đơn vị, cơ sở nhà nước có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm, có chất lượng con giống tốt làm đầu mối cung ứng, triển khai thực hiện, không giao tràn lan cho các cơ sở tư nhân, các đơn vị không đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai cung ứng.
- Cần nâng cao vai trò kiểm tra, quản lý chất lượng con giống thủy sản nước ngọt. Con giống trước khi cung ứng đến người nuôi cần được kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng. Có các giải pháp hữu hiệu để kiểm tra, hạn chế nguồn giống nhập vào tỉnh một mặt để đảm bảo chất lượng con giống cho người nuôi, mặt khác để kích cầu các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng con giống cho người nuôi.
2. Đối với công tác thị trường cho tiêu thụ sản phẩm
- Cần có các chính sách, khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm thủy sản nước ngọt nói chung trên địa bàn tỉnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi và làm gia tăng giá trị của sản phẩm làm ra.
- Tiến tới giảm dần tỷ trọng nuôi các đối tượng cá truyền thống, từng bước quy hoạch, khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có nhu cầu thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu, nhằm gia tăng giá trị, hiệu quả trên một đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
- Cần có định hướng, chỉ đạo sát sao trong việc quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi một cách hài hòa, không để phát triển nuôi tràn lam một cách tự phát dẫn đến cung vượt quá cầu.