Nghề làm tôm giả câu mực
Là một nghề thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn - nghề làm tôm câu mực hơn 10 năm qua đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Phạm Hồng Bình - khu phố 1, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Một con tôm câu mực tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi rất nhiều thao tác. Từ các nguyên vật liệu như: gỗ, kẽm, hạt nhựa, decal phản quang và cước... người làm phải trải qua 10 công đoạn mới cho ra một sản phẩm con tôm câu mực hoàn chỉnh.
Mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau, như anh Bình, ngoài việc cưa gỗ để định hình ra tôm, sau đó dùng máy thao tác mài nhẵn mịn thân và khoan mắt tôm. Rồi tiếp tục dùng chì nóng đổ vào phần bụng tôm, tạo độ nặng giúp tôm có thể chìm xuống nước.
Các khâu còn lại như gắn mắt và trang trí thân tôm sẽ do vợ và 2 con thực hiện. Dựa vào đặc tính của mực mà làm mồi câu, theo đó, phần đầu và cuối thân tôm giả được dán decal phản quang và cố định bằng cước, khi dưới nước sẽ phát màu sáng bắt mắt để thu hút con mồi. Đuôi tôm được làm bằng kẽm, đầu mài sắt nhọn như mũi kim, có chức năng làm lưỡi câu... Công việc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi ở người làm sự chăm chút.
Ở thị xã La Gi, nghề này gần như là một nghề khá hiếm. Mỗi ngày, 4 thành viên trong gia đình anh Bình sẽ làm ra được trên dưới 150 con tôm thành phẩm. Sản phẩm được gia đình bỏ mối cho các cửa hàng bán vật tư ngư nghiệp, phục vụ các ghe tàu hoạt động nghề mành mực hoặc lưới rút. Trước đây, anh Bình còn bỏ hàng tại Long Hải - Bà Rịa Vũng Tàu, nhưng nay, do mở rộng kinh doanh các mô hình khác, nên sản phẩm tôm câu mực của gia đình làm ra chỉ đủ cung cấp trong thị xã.
Với thu nhập mỗi người có thể kiếm được sau khi trừ hết chi phí từ 350.000 – 400.000 đồng/ngày, không đòi hỏi quá nhiều sức lực nhưng cần lắm sự công phu. Tuy nhiên, theo anh Bình cho biết rất muốn được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư thêm máy móc để làm thêm nhiều sản phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường thời gian tới.