Nghề mành chụp: Dễ làm, hiệu quả cao
Nghề biển ở Bình Định ngày càng phát triển, năng lực khai thác thủy sản được nâng cao, nhiều ngư dân đã chuyển đổi từ nghề lưới vây sang mành chụp để tăng hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh các loại nghề đánh bắt truyền thống, như: lưới vây ánh sáng (còn gọi mành rút), câu cá ngừ đại dương… vài năm trở lại đây, ngư dân trong tỉnh đã phát triển thêm nghề mành chụp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tàu vỏ thép của ngư dân Nông Thành Điền, ở xã Cát Thành (Phù Cát) làm nghề mành chụp.
Sau hơn 25 năm làm nghề mành rút, câu tay, mành lùa…. năm 2016, ngư dân Nông Thành Điền, ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, vay vốn Nghị định 67 đóng mới tàu cá vỏ thép công suất 829 CV để làm nghề mành chụp. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu anh Điền đánh bắt từ 15-20 tấn cá mực, có chuyến trúng biển được đến 40 - 50 tấn. Anh Điền cho biết: “Nghề mành chụp dễ làm hơn nghề mành rút. Vùng biển hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, đánh bắt thủy sản đạt sản lượng cao, trong đó sản lượng mực xà là chính. Bình quân mỗi phần “bạn” thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng, có khi hơn 30 triệu đồng/người/tháng”.
Theo anh Điền, nghề mành chụp khai thác thủy sản ở tầng nước nổi quanh năm. Trên tàu làm nghề mành chụp trang bị hệ thống đèn cao áp công suất 1.000W/bóng với số lượng từ 300 bóng trở lên. Sau khi dùng máy dò để tìm luồng cá mực, ngư dân sẽ bật điện để dụ cá mực. Sau đó, thả lưới bằng 4 gọng từ trên tàu bung lưới căng ra 4 phía. Đèn được tắt dần, ngư dân sẽ thả lưới, rồi rút lưới để dồn cá mực vào túi lưới và thu lưới lên tàu.
Cách đây 2 năm, ngư dân Lê Văn Chiều, ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép làm nghề mành chụp theo Nghị định 67. Từ thực tế đánh bắt hải sản, anh Chiều bộc bạch: “Mành rút làm bằng lưới nylon, mành lại lớn nên lực lượng lao động phải đủ từ 12 người trở lên mới làm được, còn mành chụp thì 9-10 người vẫn ra khơi làm bình thường bởi mành chụp làm bằng lưới cước, mành nhỏ. Mành chụp khai thác thủy sản vẫn dùng ánh sáng để dẫn dụ cá mực như mành rút, nhưng thao tác đơn giản hơn, có thể đánh bắt liên tục từ 10 - 12 chỗ lưới/đêm. Bởi vậy, khi tôi bán tàu vỏ gỗ làm nghề mành rút để chuyển qua đóng tàu vỏ thép thì đã đăng ký làm nghề mành chụp. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên mới chuyển nghề, chứ nếu không ngư dân chúng tôi khó mà có nhiều vốn như thế để đầu tư đóng tàu, sắm ngư lưới cụ”.
Năm 2016, ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã quyết định bán hết 5 chiếc tàu vỏ gỗ đang làm nghề mành rút, câu cá ngừ đại dương, hậu cần nghề cá và vay vốn Nghị định 67 để đóng tàu cá vỏ thép công suất 880 CV, làm nghề mành chụp. Qua 20 chuyến biển, bình quân mỗi chuyến tàu anh Châu đánh bắt 30 tấn thủy sản; có chuyến trúng đậm đánh bắt được 170 tấn thủy sản, thu nhập hơn 1,2 tỉ đồng, mỗi phần “bạn” được chia tới hơn 37 triệu đồng. Theo anh Châu, so với mành rút thì nghề này đầu tư ngư lưới cụ ít chi phí hơn, quá trình đánh bắt ít gặp rủi ro bị mất lưới do nước xoáy như mành rút.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tính đến hết tháng 2.2019, toàn tỉnh có 227 tàu làm nghề mành chụp. Ông Lê Văn Bích, Phó trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi Thủy sản (Chi cục Thủy sản), cho biết: Mành chụp là kỹ thuật khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng, lưới có cấu trúc như vó quăng đánh bắt theo hướng chủ động nhờ hệ thống gọng, lưới cước và hệ thống khoen có lực chìm nặng giúp lưới chìm nhanh, sâu hơn, đánh bắt đạt hiệu quả cao. Nghề mành chụp đã dần được phát triển và nhân rộng, được nhiều ngư dân trong tỉnh chọn làm, hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển nghề biển của tỉnh.