TIN THỦY SẢN

Nghề nuôi tôm nước lợ: Ứng phó với thời tiết khắc nghiệt

Nông dân cải tạo ao nuôi trước khi thả tôm. Ảnh: Q.VIỆT Việt Quang

Nông dân nuôi tôm và ngành thủy sản đang nỗ lực tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như khô hạn, nhiễm mặn ngày một biểu hiện rõ rệt hơn trên địa bàn tỉnh.

Chậm và chắc

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nuôi tôm nước lợ ở vùng triều trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ ngày 1.2.2016 nhưng đến thời điểm này chỉ mới có số ít hộ nông dân thả nuôi. Nhiều nông hộ cho rằng, thả nuôi chậm để thăm dò vẫn hơn. “Do thất bát liên tục ở những vụ nuôi tôm trước đây nên chúng tôi cẩn trọng, chờ cho điều kiện thời tiết phù hợp. Người ta nuôi trước đạt thì mình học hỏi còn thất bại thì mình rút kinh nghiệm, hạn chế mắc lỗi” - ông Hà Tấn Đạt (thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho biết.

Thời điểm này, hộ ông Đạt mới bắt đầu thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao có tổng diện tích 3.000m2. Ông cho biết, trước khi nuôi tôm, việc cải tạo ao đã được tiến hành rất kỹ càng. Ông Đạt đã đào sâu, vét sạch bùn, phơi nắng ao trong vòng 10 ngày để tận diệt các côn trùng có hại cũng như khử sạch các chất độc tồn đọng từ vụ nuôi trước. “Càng nắng nóng thì nguồn nước càng hiếm hoi, ô nhiễm nên tôi phải dự trữ nước sạch bằng cách xây thêm một ao nuôi dự phòng, lắng đọng nước trong đó, khi cần thì cấp vào nuôi, thay nước. Độ mặn của nguồn nước cũng tăng cao nên mình phải điều hòa bằng hệ thống nước ngầm qua giếng đóng. Đầu tư cho vụ nuôi hết hơn 50 triệu đồng rồi” - ông Đạt nói.

Thông thường, các nông hộ nuôi tôm trên cát quanh năm nhưng thời gian này có không nhiều ao nuôi có tôm. Nhiều nông dân cho biết, thời gian gần đây, nước biển dâng, gió khô nóng, cát bay liên tục xuất hiện. Nhiệt độ tăng đột ngột, chênh lệch lớn giữa ngày này với ngày khác cũng như chênh lệch giữa ngày và đêm khiến tôm nuôi sinh trưởng khó khăn. Mưa nắng bất thường khiến độ mặn trong ao nuôi thay đổi nên tôm dễ bị sốc, chết hàng loạt. Ông Hà Ngọc Hoàng (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) đã thích ứng bằng cách tăng độ sâu cho ao nuôi tôm thêm 1m để giảm đi sự biến động của nhiệt độ cũng như độ mặn. Mật độ tôm thả nuôi cũng ít đi, chỉ chừng 100 con/m2 để hạn chế tình trạng tôm bị sốc khi thời tiết thay đổi đột ngột. “Tôi ghi chép cẩn thận thời gian nào thì mình bổ sung thức ăn, vitamin, khoáng chất vào ao nuôi để tránh dư thừa gây nhiều tạp chất khiến tôm hô hấp chậm. Thuốc, chế phẩm sinh học, men vi sinh cho vào ao nuôi cũng được quản lý chặt chẽ hơn để điều tiết kịp thời” - ông Hoàng nói.

Hạn chế rủi ro

Quảng Nam có 2.200ha ao nuôi tôm nước lợ nhưng theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, mới chỉ có 798ha được thả nuôi đến thời điểm này khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là vụ nuôi thứ nhất kết thúc. Từ đầu vụ nuôi đến nay, bệnh trên tôm nuôi liên tục xảy ra, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Các bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh do virus đốm trắng làm tôm chết rất nhanh, hầu như không có nông dân nào xử lý kịp khi phát hiện.

Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 6 nên các địa phương có nuôi tôm phải đẩy mạnh quan trắc, theo dõi diễn biến thời tiết từng ngày và thông báo kịp thời để người nuôi chủ động phòng tránh, ứng cứu. Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh, thành trong cả nước cần có biện pháp điều tiết nước, giải pháp điều chỉnh diện tích thả nuôi, thời vụ nuôi tôm nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và khô hạn kéo dài. Về lâu dài, các địa phương cần có định hướng để phát triển về chất lượng cho nghề nuôi, hạn chế tình trạng người nuôi chạy theo lợi nhuận, không nắm rõ các nguy hại từ biến đổi của khí hậu, thời tiết thất thường mà nuôi nhiều dẫn đến thiệt hại lớn.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra thực tế cho thấy tình trạng tôm nuôi bị chết vẫn diễn ra liên tục ở tất cả 6 địa phương nuôi tôm của tỉnh. Nguyên nhân vẫn như trước, chưa được cải thiện. Đó là tình trạng hạ tầng vùng nuôi sơ sài mà sông Trường Giang thì ngày càng ô nhiễm hơn. Ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi cần chủ động theo dõi mọi diễn biến trong ao nuôi để ứng phó kịp thời khi tôm nuôi có dấu hiệu khác lạ. Các hộ nuôi nên tăng cường độ và tần suất chạy quạt để hạn chế thay đổi đột ngột của nhiệt độ trong ao nuôi…

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết trên toàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng và mưa thất thường, kèm theo đó là những đợt không khí lạnh làm ảnh hưởng đến tôm nuôi, khiến tôm nuôi liên tục bị bệnh, chết. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh đến thời điểm này khoảng 80ha, tập trung chủ yếu tại TP.Tam Kỳ: 14,3ha; Thăng Bình: 35ha; Duy Xuyên: 20,2ha, TP.Hội An 0,5ha, Núi Thành: 10ha.

Việt Quang Báo Quảng Nam, 20/04/2016