TIN THỦY SẢN

Nghị định 36 về cá tra, một cam kết về chất lượng ngành cá tra Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Lạc Long – HH Cá Tra VN

Hiện tại, ngành cá tra của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại những thị trường truyền thống. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra được xem như một cam kết về chất lượng ngành hàng chủ lực này.

Ý kiến khác nhau

Tại Hội thảo lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi về dự thảo sửa đổi Nghị định 36 năm 2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Tám chủ trì ngày 10/6/2015 tại Cần Thơ, có hai luồng ý kiến khác nhau về hàm lượng ẩm, tỷ lệ mạ băng và giá sàn đối với thu mua nguyên liệu cá tra.

Sau hơn 04 năm thảo luận về nghị định với nhiều thành phần tham gia như doanh nghiệp, hiệp hội thủy sản địa phương, VASEP, cơ quan quản lý nhà nước, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra được ban hành trong năm 2014. Tại hội thảo lần này, đa số ý kiến đều đồng tình rằng từ quá trình soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp cho đến trình Chính phủ ban hành là xuất phát từ thực tiễn và từ quá trình nghiên cứu các ngành hàng tương tự của các quốc gia khác. Lý do, mục tiêu cuối cùng của nghị định là giúp chấn chỉnh chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị, cụm ngành để tạo lợi thế về thương hiệu và tính cạnh tranh quốc gia. 

Theo dự thảo sửa đổi lần này thì Bộ NN&PTNT đảm nhận hướng dẫn lộ trình áp dụng quy định về hàm lượng ẩm không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không quá 10% trong sản phẩm cá tra xuất khẩu và không quy định thời hạn chót là ngày 31/12/2015 như trước đây. Tuy nhiên, ý kiến của một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại đề nghị cần bỏ hẳn nội dung này trong Nghị định 36. Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang rất băn khoăn về hàm ẩm, tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra”. Ngoài ra, có doanh nghiệp còn đề nghị bãi bỏ luôn giá sàn thu mua cá nguyên liệu.

Bên cạnh ý kiến của VASEP, đại diện Chi cục thủy sản Vĩnh Long Bà Phạm Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng báo cáo tiến độ thực hiện nghị định 36 nghiêm túc đối với đăng ký và cấp mã số nhận diện vùng nuôi trên cơ sở Quy hoạch nuôi trồng thủy sản Vĩnh Long đã hoàn thiện. Các bước thực hiện Vietgap như cung cấp thông tin về qui chuẩn VietGap đến các doanh nghiệp và nông hộ có vùng nuôi đã được tỉnh cung cấp kinh phí hỗ trợ. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp Cần Thơ, Ông Nguyễn Minh Thạnh - Phó giám đốc phát biểu: “Tất cả mọi thành phần cần nhìn nhận rằng mục tiêu nghị định 36 là tốt, hướng đến chất lượng ngành hàng. Do vậy các quan điểm tranh cãi xóa bỏ nghị định là đang đi ngược lại quan điểm tốt đẹp trên; chúng ta cần xem xét lại, cần thảo luận tìm bước đi cụ thể để thực hiện mới là quan trọng”.

Trước những ý kiến phản đối một số nội dung trong Nghị định 36, phía cơ quan quản lý nhà nước, nông hộ cũng không đồng tình vì cho rằng một khi bỏ đi những quy định quan trọng như vậy thì xem như không còn Nghị định 36 nữa và điều đó vô tình sẽ gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam. Cũng trong phát biểu liên quan đến nâng chất lượng nuôi trồng và chế biến cá tra ngày 10/6/2015, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, đại diện tại Việt Nam của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) có trụ sở tại Mỹ, cho biết hiện các khách hàng tại Mỹ và Châu Âu đều lo ngại vì cá tra xuất khẩu chứa quá nhiều nước (hàm ẩm cao) nên khi nấu ra, miếng cá teo nhỏ lại nhiều hơn so với trước kia.

Tán thành quan điểm cần giữ lại những nội dung về hàm lượng ẩm, tỷ lệ mạ băng cũng như giá sàn thu mua nguyên liệu ở Nghị định 36, ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Hiện nay, xuất khẩu cá tra giảm không phải do không có thị trường mà do chất lượng sản phẩm kém cải thiện nên sinh ra tâm lý nghi ngại cho các nhà nhập khẩu. Chính vì vậy, Nghị định 36 của Chính phủ ra đời, không chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng mà chủ yếu là để tránh sự sụp đổ của thị trường. Ông Dũng nhấn mạnh, thậm chí việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng cũng đưa ra những tín hiệu không tốt cho các thị trường xuất khẩu của ta.

Quan điểm của Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Qua làm việc thực tế tại nhiều đơn vị sản xuất và chế biến cá tra ở ĐBSCL, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA) đã có kiến nghị gửi Bộ NN&PTNN theo hướng không bỏ mà chỉ nên điều chỉnh đối với một số nội dung của Nghị định 36. Theo đó, VNPA đề nghị Bộ NN&PTNT cần đảm bảo tỷ lệ mạ băng như cũ (10%), riêng hàm lượng ẩm từ 83% - 86% (không được vượt quá 86%) để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam và cần có một lộ trình thực hiện cụ thể.

Ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch VNPA, không tán thành việc bỏ giá sàn thu mua nguyên liệu cá tra. Lý giải về vấn đề này, ông Võ Hùng Dũng cho rằng việc giữ quy định giá sàn là một công cụ an toàn để ngành cá tra Việt Nam có thể tự bảo vệ, phòng ngừa trước những vụ kiện chống bán phá giá vốn đã xảy ra khá nhiều thời gian qua. Ông Dũng cũng cho biết trước khi đưa ra kiến nghị này, VPA đã làm việc cụ thể về quy định giá sàn và biên độ chống bán phá giá với phía luật sư bên Mỹ.

            Việc đòi hỏi xem xét sửa đổi Nghị định 36 chỉ sau một năm nghị định có hiệu lực, phản ánh tiếng nói của các nhóm lợi ích. Trên thực tế, nhóm phản đối có tiếng nói mạnh, nhóm ủng hộ lại có tiếng nói yếu thế hơn. Thực trạng này đang làm giảm niềm tin của những người trong chuỗi sản xuất yếu thế, ít có tiếng nói. Đối với thị trường nhập khẩu cũng vậy, thực trạng này chẳng thể nào làm cho họ tăng thêm niềm tin với ngành cá tra Việt Nam.

Việc sửa đổi, hay điều chỉnh Nghị định 36 ở những điểm mà một số doanh nghiệp kiến nghị, trên thực tế là hủy bỏ hoàn toàn nghị định này. Những hệ lụy có thể thấy được là: (1) gây tâm lý thiếu tin tưởng về chính sách đối với ngành cá tra, cả ở trong và ngoài nước vì có trên 90% sản lượng cá tra xuất khẩu; (2) tạo tâm lý cũng như tiền lệ về sự phản đối của một nhóm doanh nghiệp lớn mỗi khi có văn bản quy định đụng chạm đến hoạt động kinh doanh của họ. Mà sự phản đối của nhóm doanh nghiệp này có thể đi ngược lại quyền lợi của nhóm khác, thành phần khác, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững lâu dài của cả chuỗi ngành hàng.

Tại kết luận hội thảo về lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 36, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT đã nghiêm túc tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các đại diện của ngành hàng cá tra. Lộ trình thực hiện việc đảm bảo chất lượng ngành hàng đối với tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm, Bộ sẽ xem xét và trình Chính phủ quyết định. Các điều khoản khác như thực hiện lập mã số nhận diện ao nuôi trên thực tế vẫn tiếp tục được triển khai mà không nhất thiết chờ đến quy hoạch hoàn chỉnh mới thực hiện để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc cá tra xuất khẩu, bảo vệ người tiêu dùng. Các vấn đề khác vẫn sẽ được duy trì theo nghị định 36 đã ban hành, vì mục tiêu của Chính phủ là cam kết đảm bảo chất lượng ngành hàng cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lạc Long – HH Cá Tra VN Hiệp Hội Cá Tra Việt Nam, 17/06/2015