TIN THỦY SẢN

Nghị định 67... chưa “vươn khơi”

Với sự bổ sung và mở hướng của Nghị định 89/2015/NĐ-CP, ngành khai thác thuỷ sản của Cà Mau đang đứng trước cơ hội mới.             Ảnh: HỒNG NHUNG Ngọc Minh

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau, việc thực hiện Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản trên địa bàn huyện Trần Văn Thời thực hiện còn chậm. Theo ghi nhận, những quy định của Nghị định 67 khi áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc là rào cản làm cho Nghị định 67 chưa được “vươn khơi”.

Huyện Trần Văn Thời là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển. Nơi đây có cửa biển Sông Ðốc lớn nhất tỉnh Cà Mau, với 1.340 phương tiện khai thác, trong đó có tới 927 phương tiện khai thác thuỷ sản có công suất trên 90 CV, có khả năng đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thuỷ sản hằng năm hơn 100.000 tấn, đóng góp không nhỏ cho ngành chế biến, xuất khẩu thuỷ sản hằng năm của tỉnh. Vì vậy, Sông Ðốc cũng là địa phương có số lượng hồ sơ được phê duyệt theo Nghị định 67 nhiều nhất trong tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện (thường trực Ban Chỉ đạo 6041 của huyện), đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời có hơn 400 hồ sơ ngư dân đăng ký được hỗ trợ theo Nghị định 67 và có 110 hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng thị trấn Sông Ðốc đã có 32 hồ sơ được phê duyệt, gồm 5 hồ sơ đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, 21 hồ sơ đóng mới tàu khai thác thuỷ sản và 6 hồ sơ nâng cấp tàu cá.

Lúc đầu, khi triển khai Nghị định 67, ngư dân trên địa bàn huyện nói chung, thị trấn Sông Ðốc nói riêng hết sức phấn khởi. Bởi sau 18 năm, từ cơn bão số 5 năm 1997, ngư dân mới có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay lớn của ngân hàng phục vụ việc đánh bắt, khai thác biển. Nghị định 67 được xem như luồng gió mới, thắp lên niềm tin, hy vọng về tương lai không xa những chiếc tàu có công suất lớn, với trang thiết bị hiện đại sẽ giúp ngư dân vươn khơi bám biển xa bờ, dài ngày.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với Nghị định 67, hầu hết ngư dân đều ngao ngán, mỏi mòn chờ đợi. Một trong những nguyên nhân là do việc giải ngân nguồn vốn chậm, mức độ giải ngân nguồn vốn vay của các ngân hàng khá ì ạch. Vì thế, ngư dân phải đóng mới, nâng cấp tàu trong tình trạng cầm chừng. Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, đến nay số ngư dân đã được giải ngân nguồn vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, nhận định: “Tiến độ thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thuỷ sản trên địa bàn thị trấn còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong đó có nhiều nguyên nhân, ví dụ như về hồ sơ thiết kế con tàu. Thông thường, các chủ tàu liên hệ với đơn vị thiết kế, chờ thiết kế và phê duyệt phải mất thời gian trên 2 tháng. Bên cạnh đó, khi chủ tàu đã hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng thì thời gian chờ đợi rất lâu. Thứ ba là, các chính sách hỗ trợ chi phí chuyến biển cho các tàu dịch vụ hậu cần, bà con đã hoàn chỉnh hồ sơ, gửi về cấp trên hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ”.

Song song đó, những vướng mắc, bất cập của Nghị định 67 làm cho ngư dân chần chừ, không còn mặn mà như trước. Mặc dù hồ sơ xin vay vốn phải làm đi làm lại nhiều lần mới hoàn chỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng hiện tại một số ngư dân vẫn chưa triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá. Ông Lê Văn Thiện, khóm 3, thị trấn Sông Ðốc, được UBND tỉnh phê duyệt 1 hồ sơ đóng mới tàu cá và 1 hồ sơ nâng cấp tàu cá, với tổng nguồn vốn vay 12 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay ông Thiện vẫn chưa dám triển khai thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá.

Ông Thiện bộc bạch: “Tôi thấy anh em làm trước, trong quá trình thực hiện thấy khó khăn quá, có nhiều quy định không phù hợp. Chẳng hạn, từ nào giờ tôi đóng tàu trên ụ đất vẫn đảm bảo chất lượng, giờ Nghị định 67 buộc phải đóng tàu trên ụ đạt chuẩn, tốn kém thêm mấy trăm triệu đồng. Hơn nữa, máy phải là máy mới, phát sinh thêm nhiều chi phí mà chưa chắc chất lượng đã đảm bảo. Người sử dụng con tàu mới biết cái nào phù hợp với tàu của mình, chưa kể khó khăn trong vấn đề giải ngân. Mấy mươi năm sống bằng nghề biển, mình cũng muốn làm lắm để có thể ra khơi đánh bắt xa bờ, hiệu quả hơn nhưng nhiều trở ngại, vướng mắc, tôi thấy sợ, bỏ luôn”.

Ðể giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Nghị định 67, vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 89/2015/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có những điểm đáng lưu ý, có thể xem là tín hiệu vui cho ngư dân như bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tín dụng; bổ sung quy định theo hướng cho phép sử dụng máy thuỷ đã qua sử dụng đối với trường hợp nâng cấp máy tàu; bổ sung đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm; thời hạn cho vay lãi suất đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới tăng thêm 5 năm, lên 16 năm… Ðồng thời, UBND huyện Trần Văn Thời mới đây cũng tiến hành cuộc họp nhằm nhận xét, đánh giá tiến độ thực hiện Nghị định 67 và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

Mong rằng, với những hành động cụ thể của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, hy vọng Nghị định 67 sẽ sớm được “vươn khơi” và đến với nhiều ngư dân vùng biển, góp phần nâng cao hiệu quả, sản lượng đánh bắt, khai thác thuỷ sản, phát triển nền kinh tế biển huyện nhà theo hướng bền vững, để nước ta trở thành nước mạnh về biển, giàu lên từ biển theo chính sách phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và giúp ngư dân an tâm bám biển./.

Ngọc Minh Báo Cà Mau, 20/10/2015