TIN THỦY SẢN

Nghị định mới sẽ bỏ quy định mạ băng, hàm ẩm cho cá tra

Loại quy định mạ băng, hàm ẩm ra khỏi nghị định cá tra sửa đổi. Trong ảnh là cá tra được mạ băng để xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh. Trung Chánh

Quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm gây tranh cãi suốt một thời gian dài trong nghị định về cá tra (Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra) sẽ được loại bỏ ra khỏi nghị định sửa đổi chuẩn bị được ban hành tới đây.

Thông tin trên được ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tại hội nghị “Tổng kết tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và giải pháp phát triển bền vững” được tổ chức tại An Giang vào ngày hôm qua, 14-12.

Theo ông Tám, quy định về hàm ẩm và mạ băng tới đây sẽ không ghi trong nghị định sửa đổi, mà sẽ được đưa vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm cá tra đông lạnh. “Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và nghề muối (Nafiqad) xây dựng xong quy chuẩn, đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và trong tháng 12 này Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy chuẩn này”, ông Tám cho biết.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cũng xác nhận quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm sẽ được loại ra khỏi nghị định sửa đổi của nghị định về cá tra năm 2014, chuẩn bị trình Chính phủ thông qua tới đây.

Theo ông Tám, trong quy chuẩn kỹ thuật nêu trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra mức giới hạn thấp nhất đối với hàm ẩm là 86% và mạ băng là 20%.

Cũng theo ông Tám, cùng với quy chuẩn kỹ thuật này, nghị định cá tra sửa đổi sẽ là nền tảng và là khung pháp lý để xây dựng và phát triển sản phẩm cá tra đa dạng, đáp ứng tất cả các thị trường, trong đó, dòng sản phẩm chất lượng cao sẽ là “ngọn cờ” đầu, đáp ứng được những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, nghị định cá tra năm 2014 quy định tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm ẩm không được vượt 83%.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b và c, Khoản 6, Điều 6 của nghị định năm 2014, thì điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến là: “Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm ẩm tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm”.

Tuy nhiên, quy định trên đã bị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cho rằng không phù hợp, gây khó khăn về thị trường và hoạt động xuất khẩu của họ.

Chính vì vậy, sau nhiều lần trì hoãn việc áp dụng, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi nghị định năm 2014. Đồng thời, xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm cá tra đông lạnh.

Theo ông Tám, cả quy chuẩn và nghị định sửa đổi nghị định cá tra nêu trên dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 12 này.

Trung Chánh Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 15/12/2016