Nghiên cứu thị trường Trung Quốc, tránh rủi ro cho nông dân
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc làm ăn giữa nước ta với Trung Quốc đã có từ lâu. Thương nhân Trung Quốc tìm đến những vùng nông thôn thu mua cá, tôm, nông sản.Tuy nhiên lâu nay, nhiều cơ quan chức năng Việt Nam còn e dè, chưa nghiên cứu sâu về thị trường này; không có nhiều thông tin về đối tác nên nhiều tổ chức, cá nhân nước ta đã gặp phải những rủi ro đáng tiếc.
Hiện nay, bưởi da xanh tại Bến Tre có giá rất cao. Loại 1 vào khoảng 55.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 50.000 đồng/kg. Theo ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh bưởi da xanh ở huyện Mỏ Cày Bắc, bưởi da xanh tăng giá cao do phía đối tác Trung Quốc “ăn hàng” mạnh. Hiện tại, mỗi ngày doanh nghiệp (DN) này xuất từ 20-40 tấn với giá khá cao.
Việc xuất khẩu giá cao là có lợi cho người dân, nhưng nhiều năm qua, câu chuyện mua bán và xuất khẩu hàng hoá tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang thị trường Trung Quốc và làm ăn với thương nhân Trung Quốc là câu chuyện đang được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khá mạnh cá tra tại ĐBSCL.
Nông dân tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) không lạ lẫm gì với cách mua bán của thương lái Trung Quốc khi họ sang đây mua khoai lang. Cứ đầu vụ, giá khoai lang rất cao nhưng không có hàng để bán, còn đến vụ thu hoạch thì rớt giá thậm tệ.
Từ khoảng 2012, thương lái người Trung Quốc đến các xã trên địa bàn Bình Tân mua khoai lang với giá cao, từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/tạ (người miền Tây vẫn quen dùng đơn vị đo lường cổ, tạ khoai chỉ 60 kg - PV), và họ chỉ mua duy nhất khoai lang tím Nhật. Nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú khi trồng khoai lang và bán cho thương lái Trung Quốc.
Rồi những năm sau đó, người dân ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai lang 3 vụ, khiến đất đai giảm màu mỡ, sâu bệnh sinh trưởng. Đến mùa thu hoạch rộ, thương lái Trung Quốc không mua, trong khi khoai lang tím Nhật không được ưa chuộng tại thị trường nội địa. Hậu quả, khoai lang đổ ngoài đồng, chỉ bán cho gia súc ăn.
Hàng loạt nông dân trắng tay, thậm chí có cả lãnh đạo xã bỏ tiền thuê đất trồng khoai lỗ hơn cả tỷ đồng. Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân cho biết, đây là vùng trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL với diện tích khoảng 10.000ha, trong đó khoai lang tím Nhật chiếm 90%. Thu nhập từ việc trồng khoai, cao gấp nhiều lần trồng lúa nhưng đầu ra sản phẩm đều phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc.
Bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, phản ánh: “Nhiều nơi ở Sóc Trăng, nhiều người bơm bột rau câu vào con tôm. Khi hỏi ra thì người nuôi nói do thương lái Trung Quốc yêu cầu bơm tạp chất thì họ mới mua. Đến khi phía thương lái không mua, tôm bị cơ quan chức năng phát hiện đã xử phạt rất nặng, thiệt hại thuộc về người nuôi”.
Còn theo ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam, thương lái Trung Quốc vào ĐBSCL mua tôm khi thị trường khan hiếm, họ nâng giá lên và không biết thu mua tới khi nào. Vì vậy, các nhà máy phải bắt buộc mua giá cao cho nông dân theo giá thị trường nhưng điều này làm tăng giá thành sản phẩm làm một số thị trường khác từ chối nhập khẩu.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói: “Người Trung Quốc vào nước ta mua bất cứ thứ gì như: đỉa, quả này, rễ kia… Đây là những thứ không có giá trị nhưng được buôn bán ào ào trên thị trường, nhưng thực ra những thứ này không chạy ra khỏi biên giới Việt Nam.
Một giả thuyết trong nghiên cứu của chúng tôi, họ có gì đó thao túng thị trường, họ mua bán để dân mình thấy có lợi mà ồ ạt trồng, nuôi, lúc đỉnh cao, họ dừng lại thì tất cả sụt giá hết. Đây là bài học nhưng lâu nay chúng ta vẫn học chưa thuộc, điều này là do lỗi của chúng ta. Vì vậy, cần cơ quan chức năng nghiên cứu việc này”.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ cho rằng, việc nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc là rất cần thiết. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Công thương, Tham tán thương mại, Đại sứ quán…
Những cơ quan có trách nhiệm cử những người có chuyên môn tìm hiểu về thị trường Trung Quốc và thông tin lại cho địa phương và nông dân biết rõ để tránh thụ động khi trồng cây gì, nuôi con gì để có lợi, phát triển kinh tế.
Trước những phản ánh của nông dân và DN tại ĐBSCL về tình trạng trên, tại hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Vương Chính Bảo, Lãnh sự Phòng Kinh tế thương mại (Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối việc thương lái nước mình ra nước ngoài có phương thức làm ăn như vậy, chúng tôi chắc chắn không coi nhẹ hành vi này.
Vì vậy, tôi kiến nghị các DN cần lựa chọn đối tác thận trọng, ưu tiên DN quy mô lớn, xuất khẩu theo đường chính ngạch. Khi DN Việt Nam gặp những trường hợp làm ăn gian dối từ thương nhân hay DN Trung Quốc, chúng tôi hy vọng nhận được khiếu nại từ phía DN Việt cho chúng tôi”.