Ngư dân chung lưng tạo nên những “bó đũa” ở Hoàng Sa
Giữa mênh mông sóng nước Hoàng Sa, mỗi ngư dân, mỗi con tàu là một cột mốc thiêng liêng, đoàn kết trên biển tựa như những “bó đũa” giữa trùng khơi.
Xuân đã ngập tràn khắp nẻo đường từ đô thị đến những vùng núi cao, làng chài ven biển. Với ngư dân miền Trung, mùa xuân mới mang theo bao kỳ vọng về một năm trời yên, biển lặng, cá, tôm đầy khoang.
Không khí những ngày cuối năm ở cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thật nhộn nhịp. Các tàu cá từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nối đuôi nhau cập bến. Cả làng chài Bình Châu rộn ràng tiếng nói cười.
Ngôi nhà khang trang của gia đình ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt nằm trong con hẻm nhỏ ở làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cơ ngơi này được gầy dựng sau hàng chục năm ông vươn khơi, bám biển. Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt kể lại vụ con tàu ông gặp nạn trên biển hồi giữa năm 2018. Lúc đó, khoảng 8h sáng ngày 20-4, trong lúc đánh bắt gần khu vực đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa, tàu cá QNg - 90332 của ông bị hai tàu nước ngoài đâm va, đánh chìm. Trong thời khắc hiểm nguy giữa biển khơi, hơn chục ngư dân đi trên tàu cá đang hoạt động gần đấy kịp thời ứng cứu, thoát nạn.
Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt nhớ lại: "Tàu từ từ khẳm dần, cha con tôi với anh em chạy lại phía sau kiểm tra, thấy nước quá nhiều, lấy xoong, nồi tát không lại. Anh em nhảy lên chụp bộ đàm kêu đồng đội đến cứu. Lúc tôi đi làm có tàu ông Nguyễn Chính. Tàu ổng tới tàu tôi rồi bỏ thúng xuống. Anh em nhảy qua thúng, tàu từ từ lút lần xuống. Mất hoàn toàn".
Ông Ngọt cho rằng việc đánh bắt theo tổ đội, nếu có xảy ra va chạm, mọi người có thể tương trợ, giúp đỡ nhau. Đi biển có bạn, bà con cảm thấy yên tâm. Tàu của ông Ngọt là một trong 6 tàu cá ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn ở Hoàng Sa trong năm 2018 vừa qua. Đến nay, được sự giúp đỡ từ Quỹ Hỗ trợ Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và các nguồn khác, gia đình ông Nguyễn Tấn Ngọt đã đóng được con tàu mới QNg - 90671, công suất hơn 700 CV tiếp tục thẳng tiến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, ngư dân luôn nhận được sự hỗ trợ của các bạn chài trong tổ, đội đoàn kết trên biển. Trở về đất liền, họ lại nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, cùng những chính sách hỗ trợ của nhà nước… Tất cả trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp bà con an tâm vươn khơi, bám biển.
Ngư dân Bùi Ngọc Lành, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chủ tàu cá QNg - 90289 từng gặp nạn ở Hoàng Sa năm 2017, đến nay đã được Nhà nước và Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ gần 1, 5 tỷ đồng đóng tàu mới vươn khơi. Ông Bùi Ngọc Lành bộc bạch: "Nhà nước hỗ trợ mình cứ tiếp tục làm nghề, vươn khơi vượt biển. Mình vừa làm kinh tế, vừa giữ biển đảo".
Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 220 tàu cá với hơn 1.000 đoàn viên. Các tàu cá chia thành 38 tổ đoàn kết, mỗi tổ từ 5 đến 10 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Đa số các thành viên tham gia tổ, nhóm là những người bà con họ hàng, bạn chài cùng ngành nghề trên biển.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, việc khai thác hải sản theo tổ, nhóm đã phát huy hiệu quả rõ rệt, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản.
Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa từ bao đời nay là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Giữa mênh mông sóng nước, mỗi một ngư dân, mỗi một con tàu là một cột mốc thiêng liêng. Những tổ, đội đoàn kết trên biển tựa như những “bó đũa” giữa trùng khơi. Từ bao đời nay, truyền thống đoàn kết, chung lưng đấu cật đã giúp bà con ngư dân vượt qua mọi sóng gió, theo đuổi khát vọng làm giàu từ biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.