TIN THỦY SẢN

Ngư dân năng động chuyển đổi nghề

Sau những chuyến khai thác, nhiều phương tiện phấn khởi khi trúng nhiều cá, lãi cao.   Ảnh: CHÍ HIỂU Hồng My

Ngọc Hiển là huyện ven biển, có thế mạnh về khai thác hải sản. Ngoài một số phương tiện được nâng cấp đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân với phương tiện công suất nhỏ chưa có điều kiện vươn khơi vì còn gặp khó khăn về vốn.

Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển thực hiện việc hỗ trợ nguồn vốn cho ngư dân sửa chữa, nâng cấp phương tiện đánh bắt, ngoài khó khăn trong khâu thiết kế bản vẽ, nhiều hộ dân không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn gặp trở ngại. Bên cạnh đó, những người làm nghề đáy cạn, đáy khơi cũng gặp khó khăn do nguồn tài nguyên ngày càng giảm sút.

Trước thực tế trên, không ít ngư dân mạnh dạn tìm hướng đi mới cho nghề biển của mình, đó là họ làm nghề đáy toá. Cũng đóng ở ngoài khơi nhưng thay vì làm đáy hàng khơi, các chủ đáy phải bỏ ra chi phí cao để sắm sửa cột kè, mỗi cây cột trên 10 triệu đồng, thêm vào đó phải làm chòi để ngư phủ canh đáy, thì đáy toá chi phí thấp hơn rất nhiều. Ngư dân cũng không phải làm chòi canh, cứ sáng đi đặt, chiều tháo đáy vô. Sản lượng của đáy toá lại cao hơn so với đáy hàng khơi.

Ông Hồng Quang Trên, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: "Từ khi chuyển sang làm đáy toá thì sản lượng tôm, cá nhiều hơn, thu nhập của gia đình khá hơn. Ðáy hàng khơi cột kè hư hỏng chi phí cao, còn riêng đáy toá chỉ bỏ công ra làm, chủ yếu dùng dây với cây cừ, chi phí thấp, lời nhiều hơn”.

Không chỉ chuyển đổi nghề sang đáy toá, nhiều ngư dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển còn chuyển từ cào cạn sang làm lưới cá chét hay lưới cá chim đạt hiệu quả cao. Theo ông Nguyễn Văn Cưng (Tư Cần Thơ), ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, ban đầu gia đình làm nghề cào nhưng không hiệu quả, mỗi con nước cào lại tốn từ 2.000 lít dầu trở lên. Nhận thấy nghề cào không đem lại thu nhập ổn định, nên ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm đánh bắt lưới cá chét của những người đi trước và áp dụng cho nghề lưới của mình. Ðối với nghề lưới cá chét, chi phí và nhiên liệu thấp, mỗi chuyến ra lưới chỉ tốn 700 lít dầu, thu lời trên 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Cưng còn nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Với những thuận lợi trên, hiện tại gia đình ông Cưng đã có 160 cây cờ lưới, giá trị trên 400 triệu đồng.

Ông Tăng Thiện Tính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho biết, thực hiện đề án chuyển đổi ngành nghề giai đoạn 2012-2015, những phương tiện khai thác kém hiệu quả, sát hại nguồn lợi thuỷ sản đã dần chuyển đổi theo hướng vươn ra khơi và một số nghề khác./.

Hồng My Báo Cà Mau, 08/07/2016