Ngư dân phấn khởi khi giá tôm thẻ nuôi công nghệ cao tăng mạnh
Khoảng thời gian gần đây, do tình trạng nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, giá tôm nguyên liệu lao dốc không phanh... đã khiến nhiều hộ nuôi tôm thẻ mô hình công nghệ cao chịu không ít tổn thất.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài rớt giá thê thảm, gần đây con tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre tăng giá mạnh, ngư dân rất phấn khởi.
Tình hình giá tôm thẻ các tháng trước
Ghi nhận giá tôm thẻ tại nhiều tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) những tháng trước liên tục giảm mạnh. Cụ thể, ngày 6/5 thì mức giá của tôm nuôi ao bạt loại 30 con/kg có giá từ 134.000 - 136.000 đồng/kg. Nuôi ao đất từ 108.000 - 109.000 đồng/kg. Đối với giá của tôm thẻ loại 40 kg/con, nếu nuôi ao bạt sẽ có mức giá là 111.000 đồng/kg và nuôi ao đất là 108.000 đồng/kg.
Như vậy, các loại tôm nước lợ hay nước mặn đều có chiều hướng giảm. Nếu tính so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2023, thì giá mỗi kg tôm thẻ đã giảm từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Trong khi, chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao thì ngày một tăng lên. Song bước sang tháng 5, giá điện nhà nước tăng thêm 3%, cộng thêm chi phí thức ăn, giá nhân công tăng vọt,… khiến người nuôi tôm công nghệ cao rơi vào tình cảnh đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Song Kiên, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), là thương lái thu mua tôm cho biết, giá tôm nguyên liệu đầu tháng 5 liên tục giảm mạnh. Đối với tôm phục vụ chế biến, các công ty mua vào số lượng cầm chừng với giá rất thấp. Đối với tôm nguyên liệu xuất sang Campuchia tiểu thương đang ngưng mua. Ông Kiên chỉ thu mua tôm cầm chừng để giữ mối, mỗi ngày khoảng 400 – 500 kg.
Tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, ước tính diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 186.000 ha. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng đã chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao. Năng suất và sản lượng tôm thu hoạch cũng tăng lên gấp 2 - 3 lần. Nên nếu xét riêng giá tôm ở thời điểm đó, rất khó để phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ và nước mặn. Đặc biệt nhất là khó trong việc nhân rộng mô hình nuôi công nghệ cao.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói rằng: “Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng chỉ nên lạc quan chút thôi, với hy vọng xuất khẩu tôm cả năm 2023 dù khó đạt như kỳ vọng nhưng cũng đạt ít nhất khoảng 3,5 - 4 tỷ USD cũng xem như đã thành công”. Điều ông Hòe dự báo ít nhiều cũng mở ra tia hy vọng về việc giá tôm theo đó cũng sẽ được cải thiện theo chiều hướng ngày một tăng hơn trong những tháng cuối năm, giúp người nuôi tôm có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Giá tôm nuôi công nghệ cao gia tăng, ngư dân vui mừng phấn khởi
Mấy ngày gần đây, tại địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, giá tôm thẻ nuôi công nghệ cao liên tục tăng giá. Hiện tại, giá tôm thẻ kích cỡ 30 con/kg, giá dao động từ 148.000 – 150.000 đồng/kg; 40 con/kg giá trên dưới 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.
Với mức giá này, người nuôi tôm thẻ công nghệ cao có lãi gần 30.000 đồng/kg, đây là mức lãi khá trong thời gian qua. Giá tôm thẻ tăng cao là do "cầu vượt cung" nhất là thị trường khu vực phía Bắc rất hút hàng; trong khi đó, diện tích ao nuôi đến giai đoạn thu hoạch thấp. Được biết, toàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có hơn 3.000 ha tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao. Tuy mô hình này chi phí đầu tư khá lớn nhưng năng suất tôm đạt cao, ít rủi ro do dịch bệnh, lãi khá.
“Tôi bán thị trường trong nước, mới vừa thu 33 tấn, đợt này thu thêm 10 tấn nữa được tổng cộng là 43 tấn. Giá này ổn định, ngoài Hà Nội không có tôm phải vào đây bắt nên giá tăng lên. Size 30 con/kg tôi mới bán được 148.000 đồng/kg, 26 con/kg bán giá 158.000 đồng, lãi 20.000 – 30.000 đồng/kg. Vừa rồi giá thấp quá nên ít người thả nuôi, nay giá bắt đầu tăng lại, có lãi rồi", chủ trang trại 30 ha ao tôm thẻ công nghệ cao, ông Ngô Minh Tuấn (trú huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) phấn khởi chia sẻ thêm.