Ngư phủ suy tim chết do tự nhảy xuống biển, chủ tàu có phải bồi thường thiệt hại?
Vụ anh H là ngư phủ của tàu đánh cá tự nhảy xuống biển dẫn đến tử vong xảy ra đã hơn 2 năm. Qua bốn phiên tòa xét xử vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm”, chủ tàu vẫn ấm ức vì phải bồi thường cho thân nhân ngư phủ 36 triệu đồng.
Anh Cao Thanh H làm nghề ngư phủ cho chủ tàu cá do bà Nguyễn Thị Một (ở thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) làm chủ sở hữu. Theo thường lệ, bà Một hợp đồng miệng với ngư phủ trước mỗi chuyến khơi xa và tạm ứng cho lao động một ít tiền, tạm gọi là khoản tiền “giữ chân”, lời lãi ăn chia sẽ tính với chủ sau khi tàu cập bến.
Anh H cũng nằm trong số ấy, được bà Một cho tạm ứng 6 triệu đồng cho chuyến vươn khơi ngày 19/4/2014 trong thời gian 2 tháng. Chuyện xảy ra vào khoảng 6h30 ngày 22/04/2014, khi tàu mới xuất bến được 3 ngày, trong lúc anh em đang kéo mẻ lưới đầu tiên trên vùng biển gần bờ của huyện Phú Quốc, H bất ngờ tự nhảy xuống biển nhưng được bạn thuyền vớt lên xoa bóp dầu, đến khoảng 7h30 thì H tử vong trên tàu.
Không biết tại sao lại phải bồi thường Sau khi nhận đơn tố cáo của gia đình anh H, Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố Rạch Giá đã xác minh làm rõ và có Kết luận chính thức số 49/QĐ-CSĐT ngày 04/6/2014: không khởi tố vụ án hình sự, do “ông Cao Thanh H tự nhảy xuống biển” và nguyên nhân dẫn đến tử vong là do “Bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp kèm xơ hóa hệ thống động mạch vành”.
Vì muốn yên ổn làm ăn, gia đình bà Một thỏa thuận hỗ trợ 35 triệu đồng để lo hậu sự cho anh H, với điều kiện không thưa kiện hay gây khó dễ cho mình. Thế nhưng, thiện chí hòa giải không được chấp nhận, gia đình anh H vẫn đâm đơn kiện vợ chồng bà Một ra tòa “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng” với các khoản mai táng phí 67,35 triệu đồng.
Ngày 19/12/2014, TAND thành phố Rạch Giá xét xử, xác định cái chết của anh H là do bệnh lý, mà nguyên nhân là từ hành vi tự nhảy xuống biển, không liên quan đến bà Một nên yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận.
Nhưng, thay vì phải áp dụng Bộ luật Lao động, cấp sơ thẩm lại áp dụng Bộ luật Dân sự về “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” để giải quyết, nên cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bởi giữa anh H và bà Một đã phát sinh quan hệ pháp luật về hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn.
Phiên tòa sơ thẩm lần 2, vụ kiện được đổi thành “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động và tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu bà Một bồi thường tiền mai táng phí 67.350.000 đồng, ngoài ra còn thêm phần trợ cấp cho thân nhân 12 tháng lương là 72 triệu đồng; yêu cầu bảo hiểm Bảo Việt phải trả 22.500.000 đồng bảo hiểm tai nạn lao động.
Vẫn như lần xử trước, Tòa nhận định anh H tử vong do bệnh lý, xuất phát từ hành vi tự nhảy xuống biển, nhưng chỉ có điều khác là “đặc điểm nơi làm việc nguy hiểm, không được cấp cứu kịp thời cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh H” nên buộc bà Một phải trợ cấp cho cho thân nhân anh H 36 triệu đồng; ghi nhận sự tự nguyện của bà Một hỗ trợ tiền mai táng phí 10 triệu đồng, tiền chi phí bảo hiểm 2,5 triệu đồng; bác yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải thanh toán tiền bảo hiểm tai nạn lao động 22,5 triệu đồng.
Thua kiện, bà Một làm đơn kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm sau đó diễn ra ngày 24/06/2016 vẫn giữ nguyên số tiền buộc bà Một phải bồi thường cho thân nhân gia đình anh H là 36 triệu đồng, nhưng thay vì cấp sơ thẩm cho đây là 12 tháng lương thì cấp phúc thẩm sửa lại là tiền trợ cấp cho thân nhân người lao động.
Luật gia: không phải tai nạn lao động, không phải bồi thường Án đã có hiệu lực buộc phải thi hành, tuy nhiên bà Một không thể hiểu nổi “tại sao Tòa án không buộc bảo hiểm phải thanh toán tiền bảo hiểm tai nạn lao động 22,5 triệu đồng mà lại bắt mình bồi thường tiền trợ cấp tai nạn lao động cho thân nhân anh H 36 triệu đồng”?
Bà Một còn cung cấp thêm: “Việc ngư phủ khi thấy tàu khác đánh bắt gần tàu của mình thì tìm cách nhảy xuống biển để được tàu này giúp đỡ, mục đích là bỏ trốn hòng quỵt tiền chủ tàu đã cho ứng trước xảy ra rất phổ biến…! Anh H chết không chỉ làm chuyến biển của tôi bị thiệt hại lên đến 150 triệu đồng mà còn tốn biết bao nhiêu là thời gian, công sức trong suốt 2 năm trời theo đuổi vụ kiện.
Đúng là họa vô đơn chí” — bà Một than thở. Xung quanh vụ việc này, Luật gia Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang - nêu quan điểm: Mặc dù giữa anh H và bà Một chỉ thỏa thuận bằng lời nói cho chuyến đi biển nhưng đã đáp ứng điều kiện về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên nên được coi là HĐLĐ.
Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, nguyên tắc phải áp dụng luật chuyên ngành là Bộ luật Lao động để giải quyết mới đúng. Nếu Bộ luật Lao động không quy định thì mới áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết.
Thế nên, những lần giải quyết tranh chấp sau, Tòa áp dụng Bộ luật Lao động là đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 2.1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/TTLTBLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08/3/2005 thì “Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hại trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động kể cả trong thời gian khác theo quy định của Bộ luật Lao động như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị, kết thúc công việc tại nơi làm việc”.
Cái chết của anh H là nằm ngoài ý muốn, nhưng trong điều kiện thời tiết ở trên biển vào tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch) thường là đẹp nhất trong năm, không có sóng to, gió lớn, không có yếu tố khách quan bên ngoài tác động, mà hoàn toàn do yếu tố chủ quan của anh H.
Mặt khác, lao động đánh bắt cá trên biển không nằm trong danh mục công việc nguy hiểm theo Quyết định số 915/BLĐTBXH ngày 30/7/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nên cái chết của anh H không thuộc trường hợp tai nạn lao động.
Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra trong trường hợp người lao động có lỗi hay không có lỗi đều được bồi thường. Vì cái chết của anh H không phải là tai nạn lao động nên không thể buộc bà Một phải bồi thường. Nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa, bà Một có quyền yêu cầu xem xét lại bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 theo trình tự giám đốc thẩm.