Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Có những người giàu lên nhanh chóng, xây nhà cao cửa rộng, mua sắm thêm thuyền bè khi trúng những mẻ cá lớn. Nhưng cũng có những số phận oằn lưng lượm từng mảnh ve chai, cá vụn, chìa tay xin từng con cá nhỏ để lo cho bữa cơm gia đình.
Làng chài tỷ phú
Tìm đến làng chài xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu), tôi ngạc nhiên về sự trù phú hiện diện ở đây. Chạy dài dọc làng, hầu như nhà ai cũng to đồ sộ, lầu 2 lầu 3, kín cổng, cao tường. Nhà nào cũng nội thất bóng loáng, xài toàn đồ xịn. Ở đây, có vài nhà mua ghe, mà giá cho mỗi chiếc ghe đâu có rẻ, ngót nghét 2 tỷ đồng. Phần lớn đều có thuyền, không còn cái cảnh tay chèo tay giữ thúng nữa.
Dọc cảng, hàng chục thuyền lớn nhỏ đậu san sát nhau, những ngư dân đắm mình trong những chầu nhậu sau chuyến đi cá hồi sáng. Vừa bàn tán, vừa hát hò say sưa.
Gặp gỡ một số ngư dân trên thuyền, tôi làm quen một tay cơ khí tên Thắng. Ngồi nói chuyện, anh kể: “Vào thời đỉnh của nghề cá, mỗi chuyến đi về kiếm hơn cả tỷ. Trừ qua trừ lại chi phí lặt vặt lãi cũng vài trăm triệu. Cảng ở đây không chỉ có ghe của xã, mà còn của những nơi khác như Đà Nẵng, Cà Mau... cũng neo đậu. Sống trên bờ nhưng phải nhờ vào ghe”.
Trò chuyện với các ngư dân khác, tôi được hay, mùa này là mùa nghỉ của những ghe, thuyền công suất lớn. Bởi lẽ, cá lớn chỉ tập trung nhiều vào các tháng 6, 7 trở đi. Còn phần lớn hiện giờ là những thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ thôi.
Cảng biển Phước Tỉnh bắt đầu “thức giấc” lúc 4h. Tiếng máy nổ inh ỏi từ các thuyền cá, người nói, người đặt hàng nháo nhác, râm ran động cả khu vực. Có thể với một người lạ như tôi thì cảm thấy ồn ào, nhưng với những ngư dân nơi đây thì lúc này chưa có đông đúc lắm. Mùa này cá ít, chủ yếu là những con cá trích, cá dòng nên lái buôn cũng không háo hức lắm. Theo như tôi quan sát, chí ít thì vào lúc này cũng có trên 50 thuyền đã bắt đầu nổ máy, gom đồ ra khơi. Mỗi thuyền như vậy trung bình có 2 người, một người cầm lái còn 1 người kiểm tra lưới, phần lớn đều là nam, chỉ có 1 hay 2 thuyền gì đó có nữ cùng đi.
Phía trên đê, tiếng cười nói lao xao, kẻ ngồi trên đê, người leo lên mép những cái ghe đang đậu để bàn luận về giá cả. Nào thì con này năm nay rẻ, đắt, giá lên, xuống, ì xèo cả vùng. Cảng này vốn nhộn nhịp đã lâu, vì không chỉ có người dân Phước Tỉnh xuống mua cá, mà ghe các nơi khác cũng đổ về, nhiều xã nhỏ ven như Long Hải, Phước Hải… cũng qua đây mua. Những thuyền nhỏ kiếm cá trong ngày thường đi vào những lúc nước lớn, còn khi nước cạn, thuyền nằm bờ, cái cảnh các ngư phủ ngồi bờ đê nhậu tơi bời không hề hiếm.
Khoảng tầm 7h-9h, các thuyền đi về, có một ghe lớn cũng về, thế là người người ùa ra xuống hết phía dưới để chờ các thuyền viên đưa cá. Trung bình, cứ vài mét lại có 1 đám. Khi xong ở thuyền này, họ đem cá bỏ vào một cái can lớn có chứa nước, xong lại tiếp tục ra thuyền khác. Cứ như vậy, cả chợ cảng huyên náo, rầm rộ như trẩy hội vậy.
Đời heo hắt
Cùng chen vào dòng người trên cảng, có một số người lại oằn mình cúi lượm những cái chai, cái lọ, những con cá, mực chết ven bờ hay xin những con còn xót lại trong lưới. Tôi bất chợt dõi mắt theo một bà cụ khoảng chừng 70 tuổi. Bà xách hai cái túi bóng lớn chứa đầy vỏ chai, lọ, và những thứ có thể bán thành tiền. Túi kia thì chứa đầy cá, tôm, mực chết mà bà lượm được ở dọc cảng.
Cứ đi được vài mét, bà lại đấm lưng vài cái rồi tiếp tục cúi nhặt những thứ phế phẩm cho vào túi. Sau đó, bà tiến lại gần mấy cái thuyền mới về, chìa tay ra xin từng con cá, con tôm nhỏ. Có người ngoảnh đầu làm ngơ coi như không nghe thấy, có kẻ quay sang nhìn bà với ánh mắt miệt thị, coi khinh.
Đáng xấu hổ hơn, một nhóm thanh niên đang ngồi nhậu, 3 đến 4 người ới gọi bà lại, rồi quẳng cái đẹt một con cá xuống đất, nhìn nhau rồi vênh mặt lên cười. Tôi chạy lại biếu bà túi cá vừa mới mua. Chưa kịp hỏi chuyện, bà cúi đầu cảm ơn lia lịa rồi lại tất tả đi xuôi về phía cuối cảng, hòa lẫn với dòng người đang ùa vào trên đê.
Lang thang từ đầu cảng đến cuối cảng, tôi gặp phải khá nhiều những hoàn cảnh như vậy. Một chị khoảng chừng 50 tuổi, mặt bịt kín, chỉ để hở cái mũi với cặp mắt, đi lòng vòng lượm mấy cái chai, lọ cũ, mấy con mực chết nằm dạt trên bờ. Tôi hỏi chuyện, chị cố tình lảng tránh về gia đình mình, chỉ nói sơ sơ tên là Thủy, nhà “ở gần đây”.
Do không có điều kiện để đi cá, chị đành tích cóp lượm lặt ve chai bán để kiếm cơm và nuôi 2 đứa con nhỏ ở nhà. Chị tránh né chuyện về bản thân mình, chỉ kể cho tôi nghe về bà cụ phía trước: “Bà ấy không cho ai biết tên đâu, ngày nào cũng từ 5h sáng, khi người mua cá chưa đến thì bà ấy đã có ở đó rồi. Đi hết từ trước rồi ra sau, lòng vòng quanh các thuyền để nhặt nhạnh, bà ấy chịu khó lắm, sáng nào cũng đến sớm chực thuyền về là ra xin cá".
Nhớ lại chuyến đi ở Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), mùa này không có cá, nhiều ngư dân tay trắng đi, tay trắng ra về. Vào những tháng này, chả ai mặn mà gì với việc đi biển cả. Nhưng đi thì lỗ, không đi thì chỉ còn biết ngồi nhà, không có việc gì khác để làm, và cũng chả có gì để mà ăn chứ đừng nói đến tăng thu nhập.
Những người dân nghèo như làng chài Hồ Đắng, không đi cá, họ lại phải lượm ve chai, vài con cá, con tôm chết quanh biển. Họ sống trong những căn chòi xây tạm bợ, bão thổi là bay, có thể lấy đắp lại. Ngày ngày, từ 4h sáng là cả làng kéo nhau đi đánh cá. Đàn ông con trai thì mỗi người một thúng, dong ra biển. Đàn bà thì đi loanh quanh lượm ve chai, nhặt củi gom thành một đống để kiếm thêm tiền khi chờ cá về.