TIN THỦY SẢN

Người lính già và trang trại ba ba doanh thu trăm triệu

Ông Nguyễn Văn Tiêu kiểm tra ba ba giống

Không chỉ cung cấp ba ba giống, nuôi ba ba thành phẩm, ông Tiêu còn nhiệt tình hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều người. Hàng năm, trang trại ba ba của ông cho doanh thu hàng trăm triệu đồng.

“Tất cả những gì tôi đã làm và còn làm đều bắt nguồn từ lòng mong ước giản đơn: Bù đắp một phần quãng thời gian trong suốt mấy mươi năm biền biệt xa nhà” - đó là tâm sự của cựu chiến binh Nguyễn Văn Tiêu - chủ trang trại ba ba nổi tiếng Bắc Ninh.

Câu chuyện của ông trong buổi chiều muộn giữa trang trại nuôi ba ba bây giờ đã bước sang năm thứ 12 khiến chúng tôi cảm nhận rõ sự chân thành của một thương binh, cựu chiến binh sống hết mình với lý tưởng của người lính Cụ Hồ. Ông là Nguyễn Văn Tiêu, ở Thôn Duệ Khánh, xã Nội Duệ (Tiên Du, Bắc Ninh), chủ nhân danh hiệu Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 8 năm liền.

Tuổi 20 lên đường

Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về năm tháng ấy không thể nào quên trở thành một phần máu thịt trong ông. Năm 1945, ở tuổi 20, ông được đứng trong hàng ngũ Tiểu đoàn Thiên Đức, đặc trách chỉ huy trung đội tự vệ phối hợp với Trung đoàn 98 tham gia giành chính quyền và tước khí giới quân đội Nhật tại thành phố Bắc Ninh. Cuộc tổng cản giữa ta và địch ngày ấy đã khiến ông bị thương ở tay, ngực, và gót chân. Năm 1952, ông bị địch bắt giam tù đày từ nhà lao Nhà Tiền (Hà Nội), sau đó giải qua nhà tù Đoạn Xá (Hải Phòng), rồi nhà tù thuộc bán đảo Cam Ranh. Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, hai bên trao trả tù binh, ông mới được hồi hương.

Năm 1967, sau những tháng huấn luyện khắc nghiệt, ông tiếp tục được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 701 hành quân tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Lào - Khe Sanh, Quảng Trị. Rồi năm 1975, thống nhất đất nước, ông trở về địa phương, mang trên mình thương tật 4/4. Khép lại những ngày chiến đấu gian khổ và ngoan cường, ông mở ra một trang “vàng” trên mặt trận làm kinh tế.

Không gục ngã

Trở về quê hương sau nửa đời gắn bó với binh nghiệp, ông Tiêu có nhiều năm vật lộn kiếm sống bằng nghề nông. Mỗi năm hai vụ lúa, một vụ màu, năng suất bấp bênh, chẳng đáng là bao, bản thân gia đình cũng lao đao vì cái đói, cái nghèo. Cuộc sống ngày càng trở nên khốn khó, eo hẹp. Nghĩ vậy, ông bàn tính với vợ nuôi thêm đàn lợn để mong cải thiện cuộc sống. Rồi cơ may đến, khi tỉnh nhà phát động phong trào VAC. Ông cùng một số hộ trong làng được cử đi tham quan những mô hình tiên tiến làm giàu nhờ chăn nuôi. Đi đến đâu, ông Tiêu cũng… hì hụi ghi chép.

Chuyến đi đó ông đã thu được một lối thoát nghèo, và vận động gia đình quyết tâm theo đuổi. Ông đã tập trung đi sâu, nghiên cứu nuôi, trồng các cây, con đặc sản. Ông Tiêu giải thích rằng: “Sở dĩ, lúc bấy giờ tôi quyết định chọn nuôi ba ba, phần vì người nuôi quá hiếm, phần vì thức ăn từ loài động vật này bổ ích và hấp dẫn với nhu cầu của một số nhà hàng lớn”.

Lúc ấy, gom góp được số tiền kha khá từ tiết kiệm và vay vốn, ông mạnh dạn mua hơn 300 con ba ba giống về nuôi. Thế nhưng, nuôi chưa được hai tuần thì hơn trăm con… chết! Cả gia đình ông khi ấy đã ôm nhau khóc ròng. Trong lúc gần như tuyệt vọng, tình thần người lính lại nhắc nhở ông: “Tại sao mấy chục năm lăn lộn nơi chiến trường, mình không chết vì bom đạn, lại có thể gục ngã vì những lý do tầm phào như thế nhỉ?”. Gạt âu lo, ông Tiêu nói cứng: “Chúng ta không dễ dàng bỏ cuộc. Mọi người cứ tin tưởng ở tôi. Nếu tôi không làm được, tôi sẽ bỏ xứ mà đi. Nếu tôi làm được, xin hãy nhân rộng mô hình này thành đại trà rộng rãi…”.

Rồi cơn bĩ cực cũng qua đi khi Giáo sư Nguyễn Lân Hùng biết, đã mang kỹ thuật xuống tận nơi phổ biến cho ông. Giữa lúc khó khăn nhất tưởng chừng chỉ buông tay là ngã gục, Giáo sư Lân Hùng đã trở thành điểm tựa tinh thần cho ông, gia đình ông. Cặm cụi mổ từng con ba ba cùng Giáo sư Hùng nghiên cứu, kết quả cho thấy do thu mua từ nhiều nguồn, được nuôi bằng những loại thức ăn khác nhau, ba ba không “thích nghi” được với điều kiện sống mới.

Không chỉ riêng ông, nhiều hộ nuôi ba ba đợt đầu trong làng cũng gặp cảnh tương tự. Ông Tiêu đến từng hộ tìm hiểu, thấy mọi người đều cho ba ba ăn gạo ngâm hoặc xác vật nuôi, gia cầm. Gạo thì ba ba không ăn, còn xác động vật thì có lông nên không lấy được thịt. Chưa kể để lâu thối rữa gây ô nhiễm nguồn nước.

Thất bại và chán nản khiến nhiều hộ không còn mặn mà nuôi ba ba nữa, nhưng ông Tiêu không nản lòng. Ông khắc phục bằng cách mua gom cá tép tươi, băm thật nhỏ và cho ba ba ăn thành từng bữa. Đồng thời ngăn nửa mặt ao thả bèo tây để tận dụng rễ làm sạch nguồn nước. Sau mấy năm cần mẫn với những biện pháp cải tiến, ông đã cho “xuất chuồng” lứa ba ba đầu tiên. Trừ chi phí, ông thu về số tiền lãi hơn 14 triệu đồng.

Tuổi già sức trẻ

Nhớ lại một lần chọn giống, ông kể: “Sau khi thu hoạch, tôi phát hiện một số con thuộc loại ba ba gai bị lẫn từ khi mua giống. Vào thời điểm đó, giá bán một con ba ba trơn giống là 265.000 đồng, trong khi 1 cân ba ba gai chỉ bán được 215.000 đồng. Thế nhưng cùng thời gian nuôi 20 tháng, ba ba gai tăng trưởng gấp 3 lần, cho lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”. Ông quyết định giữ lại toàn bộ số ba ba gai và tập trung nhân giống loại này. Cho đến nay, trên diện tích gần 400m2 mặt nước, chưa kể hơn 200 con ba ba thương phẩm sắp cho thu hoạch, trang trại của ông Tiêu vẫn duy trì khoảng gần trăm con ba ba gai sinh sản.

Giờ đây, không chỉ cung cấp ba ba giống, nuôi ba ba thành phẩm, ông Tiêu còn nhiệt tình hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều người. Tính cả con giống lẫn thương phẩm, hàng năm trang trại ba ba của gia đình ông Tiêu cho doanh thu hàng trăm triệu đồng. Tính riêng tổng thu lãi đến nay lên đến gần 500 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Sót- Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Duệ Khánh, tâm sự: “Ở đây ai ai cũng coi bác Tiêu như ông “sao Thần Nông” làm kinh tế giỏi. Cống hiến của bác trong nhiều năm trở lại đây đã làm thay đổi một phần diện mạo quê hương Duệ Khánh”.

“Trên đời này chẳng có khó khăn nào giống khó khăn nào, ai có ý chí,
quyết tâm,thông minh gan góc và kiên trì thì người đó sẽ chiến thắng”.

Cựu chiến binh  Nguyễn Văn Tiêu

Dân Việt