TIN THỦY SẢN

Người nuôi thủy sản nước lợ khốn đốn vì nguồn nước bị ngọt hóa

Cống Ông Dâng bị hư hỏng, không thể điều tiết lượng nước ngọt là một trong những nguyên nhân khiến nước tại khu vực phía bắc đầm Thị Nại bị ngọt hóa. Bài, ảnh: C.Luân

Vài năm gần đây, hơn 300 hộ nuôi thủy sản nước lợ (NTSNL) ở thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa, H. Tuy Phước, Bình Định) thường xuyên rơi vào cảnh thất bát do nguồn nước phục vụ NTSNL bị ngọt hóa. Người dân đang mong chờ các ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ năm 2012 đến nay, hầu như năm nào các hộ NTSNL ở 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam cũng rơi vào cảnh mất mùa, thua lỗ bởi nguồn nước tại khu vực phía bắc đầm Thị Nại bị ngọt hóa (nồng độ mặn không đủ tiêu chuẩn để thả nuôi các loại TSNL).

Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là bởi nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khu vực này ngày một tăng, trong khi đó, cống Ông Dâng (thôn Huỳnh Giản Bắc) có tác dụng điều tiết lượng nước ngọt chảy vào phía bắc đầm Thị Nại bị hư hỏng nhiều năm không được sửa chữa, khắc phục. Nước ngọt đổ về nhiều làm nước lợ tại khu vực thả nuôi thủy sản không đảm bảo nồng độ mặn, dẫn đến tình trạng tôm, cua, cá bị nhiễm bệnh, chậm lớn, chết non. Ngoài ra, do môi trường sinh thái nước lợ bị ngọt hóa nên các loại thủy sản tự nhiên tại khu vực phía bắc đầm Thị Nại ngày một ít dần, do đó nghề đánh bắt thủy sản của người dân cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc và là một hộ NTSNL tại khu vực phía bắc đầm Thị Nại, cho biết: Khoảng 2-3 năm nay, hơn 300ha NTSNL của các hộ dân ở 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngọt hóa nguồn nước nuôi trồng, khiến việc sản xuất, nuôi trồng bị thất bát, thua lỗ nặng. Đặc biệt, trong vụ nuôi năm 2013, hầu hết các hộ dân đều bị mất mùa, nợ nần chồng chất, mất khả năng tái sản xuất. Còn vụ nuôi năm 2014, dù ngành nông nghiệp ấn định lịch thời vụ vào tháng 3 này, nhưng hiện nguồn nước lợ đang bị ngọt hóa nghiêm trọng, nồng độ mặn không đảm bảo nên người dân đang rất lo lắng...

Đáng nói hơn, không chỉ người dân ở 2 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam gặp phải tình cảnh khốn đốn này, mà các hộ nuôi thủy sản ở thôn Kim Đông, Tân Giản (xã Phước Hòa); thôn Đông Điền, Lạc Điền (xã Phước Thắng, H. Tuy Phước) cũng chịu chung cảnh ngộ. "Trước tình trạng này, người NTSNL chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng kiểm tra, có biện pháp khắc phục bằng cách hàn khẩu tạm thời cống Ông Dâng để ngăn và điều tiết nguồn nước ngọt.

Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của bà con vẫn chưa được thực hiện. Nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng ngọt hóa nguồn nước lợ NTS, không chỉ các hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc, Huỳnh Giản Nam gặp khốn đốn, mà rất nhiều hộ NTS thuộc 3 xã Khu Đông của H. Tuy Phước (Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng-PV) sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm đưa ra giải pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống", ông Phú trình bày.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa: "Để tạo điều kiện thuận lợi cho người NTSNL, địa phương đề nghị ngành chức năng sớm xem xét, sửa chữa cống Ông Dâng để phục vụ công tác điều tiết lượng nước, tránh tình trạng ngọt hóa ngày một tăng. Về lâu dài, ngành chức năng phải có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng ngọt hóa nguồn nước lợ tại khu vực phía bắc đầm Thị Nại để bà con nông dân ổn định sản xuất".

Bài, ảnh: C.Luân Báo Công An Đà Nẵng, 01/03/2014