Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long
Do khai thác tràn lan, quá mức và chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiện nguồn nước ngầm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang bị sụt giảm và ô nhiễm ở mức báo động.
Khai thác vô tội vạ
Là tỉnh giáp biển nên nguồn nước ở Sóc Trăng thường bị nhiễm mặn, phần lớn người dân chọn cách khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Người dân lấy nước ngầm bằng cách khoan nhiều giếng, cây nước (bơm tay và bơm máy) xuống lòng đất 90m để sử dụng. Do khai thác quá mức nên mực nước ngầm này ngày càng cạn kiệt, nhiều nơi khoan sâu hơn 100m nhưng vẫn không hút được nước.
Ông Ngô Quốc Dũng - Phó trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Xuyên - cho biết: “Chúng tôi chỉ xác nhận cho các hộ dân khai thác nước ngầm dưới 20m3/ngày, nếu muốn khai thác hơn thì phải lập đề án trình Sở TNMT ký. Về trữ lượng khai thác nước ngầm thì chúng tôi chưa có điều kiện để nắm được”.
Theo Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng, hàng năm, nguồn nước ngầm bị sụt giảm (từ 0,2 đến 0,3cm). Tập trung nhiều ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, TP.Sóc Trăng, Vĩnh Châu. Riêng huyện Mỹ Xuyên và TP.Sóc Trăng đã khai thác vượt mức 20% của trữ lượng tiềm năng cho phép. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất ngày càng cao, cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến khả năng bổ sung nước không kịp, bị nhiễm mặn. Một số địa phương bị nhiễm mặn ở tầng nông (từ 40-120m), nên nhiều hộ dân chuyển sang khai thác ở tầng sâu (trên 120m).
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 80.000 giếng khoan hộ gia đình và trên 130 trạm cấp nước tập trung, trữ lượng khai thác gần 200.000m3/ngày. Số lượng giếng, trạm khai thác trên đã gây thiếu hụt nguồn nước ngầm, hiện nhiều người dân vẫn tự ý khoan giếng ở tầng sâu mà chưa được chính quyền cho phép. Các địa phương như Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang... cũng xảy ra tình trạng trên.
Theo Sở TNMT TP.Cần Thơ, toàn thành phố có trên 32.400 giếng khoan, khai thác 700.000m3/ngày. Trong đó, có gần 400 giếng có công suất 50m3/ngày và hơn 30 giếng có công suất từ 500-1.000m3/ngày. Còn theo Sở TNMT Cà Mau, cả tỉnh có 180.000 giếng nước ngầm, trong đó có 40.000 giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số giếng nước bị ô nhiễm trên, có 2/3 giếng được khoan lậu, có một số vùng khoan sâu trên 200m nhưng không lấy được nước...
Theo Bộ TNMT, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100.000 giếng nước ngầm, khoan với độ sâu từ 10-300m. Tổng lượng nước ngầm được khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu mét khối/ngày.
Biện pháp tạm thời
Ông Đồng Thống Nhất - Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn thuộc Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Tỉnh đang khuyến khích người dân khai thác nguồn nước ngầm một cách tập trung, tránh tình trạng thất thoát, gây ô nhiễm và hạn chế khoan giếng bơm. Thời gian tới, sẽ tổ chức thanh - kiểm tra, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu các mô hình thích ứng với nước nhiễm mặn, biến đổi khí hậu, tránh khai thác nước tràn lan, không theo quy trình kỹ thuật”.
TP.Cần Thơ cũng đang khảo sát, thống kê số lượng giếng nước ngầm đã và đang khai thác. Theo đó, những giếng ở những địa phương có nguồn nước máy của NM nước Cần Thơ dẫn đến thì sẽ hướng dẫn người dân, DN chuyển qua sử dụng nguồn nước máy nếu đã hết phép khai thác. TP.Cần Thơ không cấp phép, không gia hạn cấp phép cho một số DN chế biến tại KCN Trà Nóc, vì nguồn nước của NM nước Cần Thơ đủ cung cấp.
Hiện tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh tiến độ chương trình cung cấp nước sạch về nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 có 100% hộ dân đủ nước sạch sử dụng, không còn khai thác nước ngầm một cách tràn lan. Đồng thời, đề ra kế hoạch xử lý những giếng khoan không còn sử dụng, bị ô nhiễm...