Nguyên nhân tôm chết do dịch bệnh và cả yếu tố môi trường bất lợi
Người nuôi tôm đang xoay xở tìm giải pháp thích hợp với điều kiện thời tiết đỏng đảnh như hiện nay, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình mới thành công.
Tôm nước lợ mang lại giá trị kinh tế cao nhưng khó nuôi. Nắng quá cũng chết mà mưa xuống đột ngột cũng không sống được. Người nuôi tôm đang xoay xở tìm giải pháp thích hợp với điều kiện thời tiết đỏng đảnh như hiện nay, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình mới thành công.
Nguyên nhân tôm chết ở Kiên Giang
Kiên Giang là tỉnh có diện tích thả nuôi tôm nước lợ lớn tại ĐBSCL. Từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được 102.686ha, tăng gần 7,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, nuôi tôm công nghiệp là 861ha, quảng canh và quảng canh cải tiến 20.207ha và theo mô hình tôm - lúa là 81.618ha. Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh đã làm 13.776ha tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại.
Nguyên nhân tôm chết do dịch bệnh và cả yếu tố môi trường bất lợi. Theo nhận định của Sở NN-PTNT Kiên Giang, thời tiết nắng nóng kéo dài và hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp.
Để xác định chính xác nguyên nhân tôm chết, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã lấy 858 mẫu để xét nghiệm dịch bệnh thủy sản.
Kết quả có 54 mẫu bị bệnh đốm trắng, 163 mẫu bệnh còi, 62 mẫu bệnh hoại tử gan tụy và 2 mẫu bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu.
Tuy nhiên, xét trên diện tích bị thiệt hại thì nguyên nhân dịch bệnh chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, còn lại chủ yếu là do yếu tố môi trường bất lợi, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ quá cao, độ mặn tăng cao, mưa chuyển mùa làm môi trường xáo trộn. Tóm lại là tại... ông trời.
Dịch bệnh trên tôm nuôi ở Kiên Giang tăng mạnh vào cao điểm mùa khô tháng 3 - 4/2016. Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, trong tổng số gần 14.000ha tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại, thì có tới 13.298ha là do các yếu tố môi trường biến động bất lợi, còn lại bệnh đốm trắng là 327ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 98ha, bệnh còi 56ha.
“Hiện nay, đã vào mùa mưa nên nhiệt độ, độ mặn giảm làm tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi giảm đáng kể. Tuy nhiên, các ổ dịch hoại tử gan tụy cấp vẫn xuất hiện ở cả vùng nuôi công nghiệp, quảng canh và tôm lúa. Do mùa mưa thuận lợi cho các bệnh do vi khuẩn trên tôm phát triển, cần có sự chủ động phòng, chống hiệu quả”, ông Xuyên khuyến cáo.
Để phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã cấp phát gần 23 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% cho 105 hộ dân có diện tích bị thiệt hại để xử lý bao vây, tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan trên diện rộng.
Đồng thời, mở 6 lớp tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh tôm nuôi và kinh nghiệm, giải pháp nuôi tôm ứng phó với hạn, mặn.
“Che dù” cho tôm, thành công
Người nuôi tôm cần phải làm gì để giảm các yếu tố môi trường bất lợi khiến tôm bị sốc và chết? Chắc chắn con người không thể chống lại “ông trời” nhưng có thể hạn chế những tác động bằng cách “che dù” cho tôm.
Mô hình nhà kính nuôi tôm công nghệ cao đã được một số doanh nghiệp đầu tư như ở tỉnh Bạc Liêu mang lại kết quả rất mỹ mãn. Không chỉ cho năng suất khủng (lên đến cả trăm tấn/ha/năm) mà còn chủ động được mùa vụ nuôi do hoàn toàn không lệ thuộc vào yếu tố mưa, nắng bên ngoài. Tuy nhiên, mô hình này cần vốn đầu tư rất lớn, doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân cá thể không đủ sức để làm.
“Che dù” cho tôm bằng lưới lan được các doanh nghiệp và người dân ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang thực hiện khá phổ biến
Có một cách đơn giản hơn, ít tốn chi phí hơn nhưng cũng rất hiệu quả đó là “che dù” cho tôm nuôi bằng lưới lan. Có thể che toàn bộ ao nuôi hoặc che một phần. Mô hình này đã được Cty Minh Phú và nhiều doanh nghiệp khác thực hiện tại huyện Kiên Lương, vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, thực hiện mấy năm nay, mang lại hiệu quả rất tốt. Từ đó, các hộ nông dân cũng học hỏi, làm theo.
Ông Nguyễn Văn Thắng, có hơn 2ha nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương cho biết: “Thấy cách che lưới lan cho tôm được các doanh nghiệp làm rất hiệu quả nên tôi cũng làm theo.
Chi phí đầu tư cũng không quá lớn, chỉ vài chục triệu đồng cho 1ha. Vào mùa nắng hạn vì lưới che bớt ánh nắng chiếu thẳng xuống ao nuôi, làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm giúp tôm không bị sốc môi trường. Hơn nữa, cũng hạn chế được việc bốc hơi nước, làm cho độ mặn trong vuông không tăng lên qua cao”.
Nuôi tôm 2 giai đoạn
Bên cạnh việc hạn chế những tác động của yếu tố môi trường thì mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cũng đang được nhiều doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm ở Kiên Giang thực hiện.
Giai đoạn đầu, tôm giống được nuôi ương vèo trong ao lót bạt, có mái che hoặc nhà màng (khoảng 1 tháng, tôm đạt cỡ 1.000 con/kg), sau mới thả ra nuôi trên diện rộng. Cách làm này giúp người nuôi kiểm soát tốt yếu tố môi trường vì chỉ cần đầu tư diện tích nhỏ là dủ.
Ông Nguyễn Thanh Hải, hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện An Biên đã thành công với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn chia sẻ: “Ao ương vèo nông dân có thể tự làm hoặc mướn nhân viên kỹ thuật của các công ty làm, chi phí cũng không lớn. Mật độ thả nuôi trong vèo khoảng 1.000 con/m2, trong khoảng 1 tháng từ tôm giống post 12 có thể đạt khoảng 1.000 con/kg thì thả ra ao nuôi. Lợi thế của ao ương là diện tích nhỏ, dễ kiểm soát các yếu tố môi trường, lượng thức ăn giảm 2/3 so với thả ngoài ao lớn, tỷ lệ thành công rất cao”.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang đánh giá, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn thích hợp cho cả nuôi tôm công nghiệp cũng nhưng quảng canh và tôm - lúa. Vì ương vèo trong môi trường nhỏ nên người nuôi rất dễ kiểm soát nguồn nước, lượng thức ăn, dịch bệnh.
Do tôm đã lớn nên thời gian nuôi ở môi trường tự nhiên được rút ngắn, hạn chế được rủi ro nên tỷ lệ thành công cao hơn hẳn. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) như Trung Sơn, Biển Đông, BIM - Hạ Long, CP, Thông Thuận, Minh Phú… đều thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn.
“Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn gồm ương vèo và thả nuôi trong ao có mái che (lưới lan) được coi là thích ứng với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt và độ mặn tăng cao như thời gian qua”, ông Minh đánh giá.
Mới đây, tại huyện Kiên Lương, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã thành lập và ra mắt câu lạc bộ (CLB) nuôi tôm công nghiệp với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp và hộ nuôi tôm trên địa bàn.
Ông Quảng Trọng Thao, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, mục đích thành lập CLB là để các thành viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn là kỹ thuật nuôi mới được các doanh nghiệp chia sẻ và đánh giá rất cao.