Nhận biết thời gian thích hợp để cắt mồi cho ao tôm
Quản lý lượng thức ăn tôm tiêu thụ mỗi ngày là công việc quan trọng của người nuôi. Việc này giúp bà con nuôi tôm có thể nhận biết được tình hình tăng trưởng cũng như tình trạng tôm dưới ao có đang ổn định hay không? Nhưng, việc cắt mồi vẫn là một khái niệm còn nhiều thắc mắc, vì vậy hôm nay Tép Bạc sẽ tìm hiểu cùng bà con nhé!
Tại sao cần nên cắt mồi cho tôm?
Cắt mồi hay còn được gọi là giảm cử cho tôm ăn trong một ngày, ví dụ mỗi ngày bạn cho tôm ăn 3 lần thì cắt mồi nghĩa là có thể giảm xuống còn 2 lần hoặc chỉ 1 lần. Đây là một khái niệm mà bà con nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây hay sử dụng.
Trong nuôi tôm, chi phí thức ăn chiếm đến 50 – 70% tổng chi phí sản xuất. Vì vậy việc sử dụng thức ăn chất lượng tốt và quản lý lượng tiêu thụ mỗi ngày một cách hiệu quả sẽ góp phần mang lại kinh tế cao cho người nuôi tôm.
Ở giai đoạn đầu, tức là giai đoạn vèo tôm, người nuôi thường không cho tôm ăn thức ăn công nghiệp mà sẽ gây màu nước cho ao tốt để có thể cung cấp các thức ăn tự nhiên cho tôm ăn mà không cần cho ăn thêm thức ăn công nghiệp ( tốt nhất ở giai đoạn 10 ngày đầu ).
Đối với giai đoạn tôm từ ngày thứ 25 trở đi bắt đầu sử dụng nhá ( hay còn gọi là sàng, vó) để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp:
- Tôm 25 – 38 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 15 g/kg, thời gian canh nhá là 2 giờ
- Từ ngày 39 – 45, thức ăn cho vào nhá 20 g/kg, thời gian canh nhá là 2 -1 giờ 30 phút.
- Tôm 46 – 55 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 25 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ 30 phút
- Từ ngày 56 – 65, thức ăn cho vào nhá 30 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ 30 phút đến 1 giờ.
- Từ ngày 66 – 72, thức ăn cho vào nhá 35 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ
- Tôm 73 – 79 ngày tuổi, thức ăn cho vào nhá 40 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ
- Từ ngày 80 đến khi thu hoạch, thức ăn cho vào nhá 45 g/kg, thời gian canh nhá là 1 giờ
Trường hợp tôm đang trong giai đoạn phát triển, người nuôi cắt mồi cho tôm sẽ rơi vào các trường hợp như sau:
- Ao nuôi đang ở các vùng dịch bệnh đang bùng phát thì nên giảm lượng thức ăn cho tôm só với nhu cầu
- Cắt bớt cử buổi trưa khi thời tiết quá nắng nóng khiến nhiệt độ tăng cao
- Khi người nuôi có trộn thêm thức ăn dinh dưỡng hoặc thuốc phòng ngừa bệnh trên tôm để tôm có thể bắt mồi triệt để
- Giảm thức ăn từ 30 – 50% khi tôm lột xác, trời mưa to, khí độc cao, tảo tàn, ….
- Khi phát hiện tôm bị bệnh, lượng thức ăn thường ngày dư thừa nhiều so với mọi khi.
Biện pháp quản lý thức ăn cho tôm hiệu quả
Tôm bắt mồi liên tục trong ngày. Vì vậy, bà con thường cho tôm ăn từ 4 -5 cữ/ngày. Ở những ao tôm có hệ thống quạt nước và sục khí bài bản, đảm bảo được lượng oxi, người ta còn cho tôm ăn cả vào ban đêm.
Mỗi công ty sản xuất thức ăn cho tôm đều có chỉ dẫn cụ thể về số lượng thức ăn cho mỗi cữ, ở mỗi giai đoạn tăng trưởng của tôm. Bà con nên tuân theo chỉ dẫn để đảm bảo cung cấp vừa đủ lượng thức ăn.
Trong khi cho tôm ăn, bà con nên rải đều thức ăn trong ao để tôm bắt mồi dễ dàng. Khi tôm được từ 2 tháng tuổi trở đi, nên sử dụng máy cho ăn tự động để tăng năng suất, hiệu quả khi cho tôm ăn, đồng thời tiết kiệm công sức và chi phí.
Khi tôm bị bệnh, nhu cầu ăn của tôm sẽ bị giảm đáng kể. Bà con nên quan sát lượng thức ăn ở trong nhá, nếu dư thức ăn thì nên rút lại hoặc cắt cữ để tập trung điều trị cho tôm khỏi bệnh. Sau khi tôm đã hồi phục thì tăng dần lượng thức ăn.
Việc kiểm tra nhá sẽ giúp xác định lượng thức ăn phù hợp để cho ăn đúng, đủ, tránh hiện tượng cho quá nhiều thức ăn xuống gây lãng phí thức ăn, đặc biệt khi khi tôm bắt mồi kém do thời tiết thay đổi, trước kỳ lột xác hoặc tôm bị bệnh.
Lượng thức ăn chỉ tăng khi mọi điều kiện nuôi đều thuận lợi: Tôm có sức khỏe tốt, phần cuối của đường ruột đầy thức ăn màu nâu trong khi phần đầu và dạ dày có màu đen.
Ngoài ra, cần nên bổ sung thêm các khoáng chất dinh dưỡng cho tôm vào từng giai đoạn cần thiết để hỗ trợ tôm hấp thu tốt, đầy đủ dưỡng chất để phát triển nhanh chóng.
Việc cắt giảm mồi bà con cần tùy thuộc vào từng trường hợp ao nuôi, tránh việc cắt mồi bừa bãi khiến tôm thiếu mồi mà ăn các chất cặn dưới đáy ao, gây nhiễm bệnh mà thiệt hại tới lợi nhuận nuôi.