TIN THỦY SẢN

Nhiều DN cá tra Việt Nam đã đạt các chứng nhận quốc tế

Hữu Tiến/VOV - Trung tâm Tin

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã khẳng định như vậy.

Ngày 7/2 vừa qua, Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn Đạo luật nông trại (Farm Bill) 2014 - Đạo luật này có nhiều quy định sẽ gây khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam bởi những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay là yêu cầu phía Hoa Kỳ xem xét lại chương trình giám sát cá da trơn sao cho công bằng.

** PV: Thưa ông, theo ông Đạo luật nông trại của Hoa Kỳ vừa ban hành sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra của Việt Nam ?

Ông Trương Đình Hòe: Theo quy định của bộ luật này có một vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam, đó là việc thanh tra giám sát hàng cá tra nhập khẩu sẽ chuyển từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ kiểm soát các hoạt động liên quan đến quy trình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Việc này có thể sẽ tác động về mặt tâm lý, bởi rất nhiều ý kiến quan ngại các tiêu chuẩn tương đồng trong vấn đề kiểm soát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ rất khắt khe, kể cả việc mang tính chất bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chờ ban hành các quy định cụ thể của Hoa Kỳ, mới biết rõ các tiêu chuẩn đó Việt Nam có đáp ứng được hay không, lúc đó mới đánh giá được mức độ tác động của vấn đề này.

Điểm thứ hai, mặc dù bộ luật đã được ký ban hành, nhưng khả năng có thể đến đầu năm 2015, việc thanh tra, giám sát cá da trơn mới tiến hành được. Bởi họ cần có thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật. Cho nên có thể trong năm 2014, tác động của đạo luật này trong xuất khẩu cá tra của Việt Nam chưa nhiều.

** PV: Vậy theo ông, để đáp ứng được các yêu cầu từ đạo luật mới của Hoa Kỳ, trước mắt ngành cá tra cũng như các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?

Ông Trương Đình Hòe: Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất của phía Việt Nam, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu cá tra cũng như nuôi cá tra là phải tiếp tục theo dõi và rà soát lại các nội dung mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ quy định, cũng như các hoạt động nuôi và quy trình sản xuất của mình để hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu.

Thực tế chúng ta cũng tự tin là hoạt động xuất khẩu, nuôi cá tra của Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao, như Tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững (PAD) của Hoa Kỳ, hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu.

Nếu được đối xử công bằng thương mại, không có các yếu tố bảo hộ thì việc chứng minh và đáp ứng các yêu cầu về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm vấn đề kiểm soát môi trường, bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, ngành cá tra Việt Nam vẫn có thời gian hoàn thiện, tiến tới sản xuất bền vững và đáp ứng các yêu cầu liên quan.

Vấn đề chủ yếu vẫn là tập trung vào thanh tra cá da trơn mà Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiến hành theo tinh thần của luật. Vấn đề chúng ta cần làm hiện nay, không chỉ có hay không có đạo luật, nhưng rõ ràng chúng ta đang hướng tới phát triển bền vững để đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả, các cơ sở nuôi phải đảm bảo được các yêu cầu, không chỉ nuôi an toàn, kể cả trách nhiệm xã hội đối với hoạt động nuôi và các hoạt động nuôi phải được chuẩn bị sớm để đảm bảo ngành cá tra phát triển bền vững hơn và hiệu quả hơn trong tương lai.

** PV: Nếu những quy định đó trái với khoa học và luật pháp quốc tế thì sao, thưa ông ?

Ông Trương Đình Hòe: Vấn đề ở chỗ là chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể. Về mặt nguyên tắc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiến hành áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn ở Việt Nam, họ sẽ phải xem xét làm sao để các tiêu chuẩn phù hợp.

Khi đó những vấn đề nào cần thiết, cũng có những vấn đề chúng ta chưa hoàn thiện thì vẫn phải hoàn thiện để đảm bảo tiêu chuẩn chung trong hoạt động sản xuất cá. Tuy nhiên, có những đặc thù riêng biệt của Hoa Kỳ yêu cầu như thế nào, chúng ta cần phải cải tiến hay bổ sung.

Tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể thực hiện tốt để đảm bảo yêu cầu sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm thực phẩm. Hiện nay, chúng ta tiếp tục có những đấu tranh đối với phía Hoa Kỳ xem xét các vấn đề một cách công bằng thương mại và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra được một sản phẩm phát trển ổn định trong việc xuất khẩu.  

** PV: Vâng, xin cảm ơn ông!.

Hữu Tiến/VOV - Trung tâm Tin VOV, 14/02/2014